Anh L.T.H ở huyện Krông Nô cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, anh hay bị ho, mệt mỏi, tưởng bệnh cảm cúm thông thường nên tự mua thuốc về uống, song cơn ho vẫn kéo dài không hết. Anh đến Trung tâm Y tế huyện Krông Nô khám bệnh thì được bác sĩ giới thiệu đi tầm soát lao tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và kết quả cho thấy bị lao phổi.
“Khi biết mình bị bệnh lao, tôi rất lo lắng và sợ lây cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, sau khi bác sĩ tư vấn nếu điều trị đúng phác đồ thì bệnh sẽ khỏi nên tôi cũng an tâm hơn. Sau 1 tháng điều trị, cơn ho của tôi đã giảm nhiều. Hiện tại, tôi vẫn điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để nhanh khỏi bệnh”, anh H nói.
Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu người mắc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời |
Bác sĩ Lê Đình Thu, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Các triệu chứng bệnh lao phổi không khó nhận biết, tuy nhiên rất nhiều người bệnh không chú ý phát hiện và điều trị sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám. Trong các thể lao, có đến 85% người mắc lao phổi, còn lại 15% là mắc các bệnh lao ngoài phổi như: lao xương khớp, lao màng não, lao màng phổi, lao thận… Lao phổi có triệu chứng chung là ho, ho ra máu kéo dài trên 2 tuần uống thuốc kháng sinh không hết; khạc đờm; sốt nhẹ về chiều khoảng 37,5 - 38 độ C kèm theo sút cân mệt mỏi…Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao đối với các trường hợp như mắc HIV/AIDS, người đang hóa trị, xạ trị ung thư, trẻ nhỏ hoặc người già…”.
Theo bác sĩ Thu, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu người mắc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để khỏi bệnh, quan trọng nhất là việc điều trị phải tuân thủ 4 nguyên tắc: phải phối hợp các loại thuốc chống lao; phải dùng thuốc đúng liều; phải dùng thuốc đều đặn và phải dùng thuốc đủ thời gian theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì. Tránh để xảy ra tình trạng lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc vì sẽ gây nguy hiểm với cộng đồng bởi việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém.
Vì vậy, đối với người mắc bệnh lao thông thường (chưa phải kháng thuốc), cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, có thể gặp một số yếu tố bất lợi do thuốc gây nên như: dị ứng, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, xương khớp... người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phối hợp kịp thời.
Kỹ thuật viên thực hiện các bước xét nghiệm lao tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
Đối với những người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như xin nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị; che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài; sử dụng miếng vải che miệng khi cười, nói, ho, hắt hơi và người bệnh cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Biện pháp để phòng, chống bệnh lao hiệu quả nhất hiện nay là cho trẻ sơ sinh đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng, chống lao (trẻ được tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn).
Đồng thời, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá cũng như thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ.