Vườn Quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, với tỷ lệ che phủ lên tới 85% diện tích vùng lõi, rừng nguyên sinh hơn 48% và hơn 36% rừng thứ sinh các loại, nằm trên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Tà Đùng có thảm thực vật rừng rộng lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú.
Kết quả điều tra cho thấy, Vườn quốc gia Tà Đùng có hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn, một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tà Đùng luôn được đặt lên hàng đầu.
Hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, tài chính và đặc thù của địa hình tự nhiên tác động đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Tà Đùng nhưng Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông đã triển khai đồng bộ, quyết liệt với các giải pháp căn cơ, từng bước khắc phục khó khăn, với quyết tâm bảo vệ tốt nhất không để xâm hại đến đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tà Đùng. Và thực tế, nhiều năm qua trên lâm phần đơn vị được giao quản lý, bảo vệ không xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã; liên tục hơn 10 năm qua, trên lâm phần Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý không xảy ra cháy rừng.
Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long cho biết, việc chi trả hấp thụ và lưu giữ carbon từ rừng đang trở thành xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, đây là công cụ hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế xanh. Với lợi thế rừng tự nhiên hiện có, trong những năm qua, song song với việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì đơn vị đã xây dựng các phương án nâng cao độ che phủ, chống mất rừng, trồng rừng thay thế, tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trồng rừng trên diện tích đất phù hợp nhằm tăng diện tích và độ che phủ, sẵn sàng khai thác lợi thế từ rừng bằng dịch vụ carbon khi có điều kiện.
Cũng theo ông Long, khai thác dịch vụ carbon từ rừng là xu hướng tất yếu, việc này sẽ tăng thêm thu nhập cho các đơn vị chủ rừng, đặc biệt là tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm tham gia các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng,… Từ đó, tạo động lực cho những người trực tiếp giữ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn, góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Hiện nay Việt Nam đã thể chế hóa các quy định hấp thụ và lưu giữ carbon từ rừng như Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon,… tạo nền tảng cho các đơn vị chủ rừng triển khai các phương án khai thác dịch vụ carbon.
Từ điều kiện thuận lợi trên, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã chủ động các nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ Ban Quản lý để thực hiện chi trả dịch vụ carbon. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, làm việc với các đoàn chuyên gia như Ilandscape, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh,… đơn vị đã ghi nhận, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhất khi được triển khai.
Tính đến hết năm 2023, Vườn quốc gia Tà Đùng đã trồng mới được hơn 620 ha rừng thay thế, ngoài ra đơn vị còn kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí triển khai trồng được 20 nghìn cây phân tán các loại tại các xã vùng đệm. Việc phát triển rừng trên những diện tích đất trống, trồng rừng thay thế đã và đang góp phần tăng trữ lượng carbon cho Vườn quốc gia Tà Đùng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, một số chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng đột phá cho rằng, nếu Đắk Nông tham gia thị trường tín chỉ carbon và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nhôm phát thải carbon thấp tại Việt Nam thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Vườn quốc gia Tà Đùng tiếp tục nghiên cứu triển khai xây dựng chi trả dịch vụ carbon tại Tà Đùng.
Dịch vụ carbon đã và đang trở thành một hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon, và tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Với lợi thế về diện tích rừng tự nhiên lớn, nếu Tà Đùng nói riêng và Đắk Nông nói chung sớm khai thác hợp lý, hiệu quả tín chỉ carbon thì nguồn lời này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong tác động biển đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.