Chủ động hơn cho vùng nguyên liệu

UÔNG THÁI BIỂU| 06/03/2025 04:03

Với nhiều động thái mới gần đây, Tây Nguyên đang kỳ vọng chào đón những dự án đầu tư chất lượng cao, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến để nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo dựng một nền nông thôn mới khởi sắc, bền vững, cải thiện đời sống của hơn sáu triệu người các dân tộc anh em.

Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng với hơn 5 triệu héc-ta đất nông nghiệp, thuận lợi trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả; trong đó, có đến 668.000 ha cà-phê, 228.000 ha cao su, 77.000 ha hồ tiêu, 75.000 ha sầu riêng... Những năm gần đây, nông nghiệp khu vực Tây Nguyên tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5%/năm, xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 28% so với 2022.

Nhiều tập đoàn lớn đang nhắm vào Tây Nguyên, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Tại một hội nghị lớn tổ chức tại Gia Lai gần đây, đánh giá lợi thế vùng Tây Nguyên, ông Trần Bá Dương-Chủ tịch hội đồng quản trị Thaco cho biết, vùng đất này có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, trồng trọt.

Tại tỉnh Gia Lai, Thaco đang có dự án chăn nuôi bò và trồng cây ăn trái quy mô lên tới 10.000 ha. Chủ tịch tập đoàn này nêu tham vọng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất-xuất khẩu trái cây tươi và nông sản tại khu vực này. Ông muốn biến khu vực trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mà trong đó Thaco giữ vai trò là doanh nghiệp đầu mối, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, chế biến cho tới xuất khẩu. Ðồng thời, Thaco có tham vọng tổ chức hệ thống logistics, vận chuyển, kho bãi hoàn thiện cho khu vực Tây Nguyên…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hạ tầng logistics Tây Nguyên còn thiếu liên kết, thủ tục hành chính tại một vài nơi vẫn còn chồng chéo. Họ đề nghị chính quyền các địa phương cải cách tốt hơn, tăng cường đầu tư vào xây dựng hạ tầng.

Trong một diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp vào Tây Nguyên, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng cho rằng, trước đây sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu là trồng trọt. Gần đây, lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư.

Từ sự phát triển nhanh chóng này dẫn đến lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, đặt ra bài toán cần tự chủ nguồn thức ăn, bởi nếu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thì rủi ro sẽ rất lớn khi đứt gãy nguồn.

Bởi vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Chính quyền các địa phương cung cấp nhiều hơn nữa thông tin, thế mạnh của địa phương, mở rộng không gian để doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư.

Thực tế về quá trình phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên cũng bắt buộc các tỉnh trong khu vực ngồi lại với các nhà đầu tư để đánh giá, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách. Qua đó, tăng cường phát triển hệ sinh thái nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho hành trình dài hơn, vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu tại các thị trường ở nước ngoài; làm vai trò như cố vấn cho các địa phương khu vực Tây Nguyên về vấn đề này.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chu-dong-hon-cho-vung-nguyen-lieu-post863280.html
Copy Link
https://nhandan.vn/chu-dong-hon-cho-vung-nguyen-lieu-post863280.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Chủ động hơn cho vùng nguyên liệu
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO