Trật tự

CHỐNG LỪA ĐẢOtrên không gian mạng

Minh Quỳnh - TD 26/07/2022 05:43

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức này vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng của người dân.

hinh-1-2568x1926.jpeg

Diễn biến phức tạp

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Cư Jút, thời gian qua, Công an huyện đã liên tiếp đấu tranh, triệt phá các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet, mạng xã hội, mạng viễn thông cũng như đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân.

Tuy vậy, một số người dân vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản.

Trong năm 2021, huyện Cư Jút đã xảy ra 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm thiệt hại của người dân khoảng 1 tỷ đồng.

cu-jutemf-4096x3062.jpeg

Hầu hết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng để lừa đảo chiếm đoạt tiền...

z3514692010494_e27e3e6599a2c88ec2167390defba5b2-1276x956(1).jpeg
Lực lượng chức năng làm việc với bị hại.

Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và các lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…

Còn tại huyện Đắk Mil, theo Đại úy Trần Quốc Huynh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đắk Mil, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.

dak-mil-4096x3058.jpeg

Những phương thức, thủ đoạn các đối tượng hay sử dụng hiện nay, đó là: Lừa đảo chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại; lừa đảo vay tiền qua các ứng dụng; giả mạo tài khoản zalo, facebook để lừa đảo; tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử; vay tiền online. Các đối tượng giả danh cán bộ công an gọi điện đe dọa bị hại đang liên quan đến việc vi phạm pháp luật, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mã OTP) rồi chúng chuyển hết tiền trong tài khoản sang tài khoản khác để chiếm đoạt. Chúng đăng bán các mặt hàng giá rẻ hơn so với giá trị trường qua mạng xã hội để khách hàng đặt cọc mua hàng qua tài khoản do chúng cung cấp rồi chiếm đoạt và chặn tài khoản...

Công an huyện Đắk Mil đã tập trung điều tra, làm rõ nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mới đây nhất, đơn vị đã kết luận điều tra 2 vụ án chuyển Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 2 bị can gồm Bàn Thị Hằng (SN 2000), trú tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Cao Bằng và Phạm Hưng Thông (SN 1997) trú tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

hinh-2-2560x1874(1).jpeg
Lực lượng công an làm việc với Bàn Thị Hằng.

Theo kết quả điều tra, vào khoảng tháng 6 năm 2021, Hằng sử dụng tài khoản facebook đăng bài, hình ảnh để rao bán trái cây với số lượng lớn để lừa người mua đặt cọc tiền qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt và cắt đứt mọi liên lạc. Với thủ đoạn này, từ tháng 6/2021 đến ngày bị bắt tháng 1/2022, Hằng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 122 triệu đồng của 7 bị hại (1 bị hại tại huyện Đắk Mil và 6 bị hại tại các tỉnh khác). Ngày 5/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bàn Thị Hằng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

hinh-1-2-2556x1634(1).jpeg
Lực lượng công an làm việc với Phạm Hưng Thông.

Đối với bị can Phạm Hưng Thông, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên vào khoảng tháng 10/2021, Thông đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Sau đó, Thông lập các trang zalo mang tên các cửa hàng mua bán xe máy nhập khẩu giá rẻ rồi đăng hình ảnh rao bán và yêu cầu người mua gửi tiền cọc qua tài khoản ngân hàng. Để tạo lòng tin, Thông cam kết bán xe nhập khẩu chính hãng không thuế nên giá rẻ với đầy đủ giấy tờ hợp lệ... Sau đó, Thông yêu cầu người mua chuyển tiền cọc qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc. Với thủ đoạn này, Thông đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng của 2 bị hại ở tỉnh Quảng Bình và tỉnh Đắk Nông. Ngày 2/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phạm Hưng Thông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện nhiều biện pháp

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, công an các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, cơ quan công an phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân trong các phong trào bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đường dây có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

z3517671280248_1d60ffa04c2b21eec95905a825ab100b-1920x1197(1).jpeg
Phát tờ rơi tuyên truyền tại khu vực chợ.

Song song với đó, lực lượng công an các địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm đến với mọi tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức như: thông qua các trang mạng xã hội; phát tờ rơi tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến tận các khu dân cư; thông qua hệ thống báo chí, hệ thống truyền thanh ở các xã.....

hinh-3-1809x2514.jpeg
Tờ rơi tuyên truyền.

Lực lượng công an còn phối hợp với chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể đến tận từng khu dân cư, tận nhà dân để phát tờ rơi tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm cũng như huy động sự tham gia của người dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện, tố giác tội phạm...

Tại huyện Cư Jút, ngày 23/6/2022, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Cư Jút phối hợp với các lực lượng đến tận các khu dân cư, nơi tập trung đông người, các chợ, đến tận các nhà dân tuyên truyền, phát hơn 16.000 tờ rơi cảnh báo, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

hinh-2-a-2568x1926(1).jpeg
Phát tờ rơi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn Văn Thìn, Bí thư Đoàn xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cho biết, việc lực lượng Công an huyện Cư Jút phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và đặc biệt là trực tiếp đến tận các thôn, buôn, tận nhà dân tuyên truyền và phát tờ rơi cảnh báo, phòng ngừa tội phạm rất thiết thực, hiệu quả, giúp người dân dễ tiếp cận thông tin.

Từ đó, người dân nêu cao ý thức cảnh giác trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi sai trái và những biểu hiện bất minh của các đối tượng tội phạm, báo ngay cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời tránh hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại cơ sở...

Trong ngày 24/6/2022, lực lượng Công an huyện Đắk Mil đã phối hợp với các cơ sở tôn giáo tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng cho người dân xã Đắk N’Drót.

hinh-2-2-2568x1926(1).jpeg
Công an huyện Đắk Mil tích cực phối hợp với các cơ sở tôn giáo tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa tội phạm cho người dân trên địa bàn.

Tại đây, lực lượng Công an huyện Đắk Mil đã phối hợp với chức sắc các tôn giáo tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phát tờ rơi cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng như kết quả đấu tranh triệt phá các vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

chu-4096x3682.jpeg

Qua việc tuyên truyền khuyến người dân về các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với lực lượng Công an để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này...

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngành công an đề nghị người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng.

Bà con đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

kieu-4096x3685.jpeg

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dùng thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; thường xuyên thay đổi để bảo đảm tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Đặc biệt, người dân không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời, bà con thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết...

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        CHỐNG LỪA ĐẢO trên không gian mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO