"Chọn mặt gửi vàng"

Điểu Nhắc| 24/10/2013 09:48

Khoảng hơn chục năm gần đây, nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên có tập quán quản lý nông sản bằng dịch vụ gửi vào đại lý thu mua. Nông sản được gửi nhiều nhất là cà phê.

Phương thức của dịch vụ này là: Nông dân có nông sản cứ mang tới gửi vào đại lý, khi cần tiền thì đến lấy theo giá cả tại thời điểm. Với đại lý thu mua, hoặc các doanh nghiệp nhỏ thì cũng gửi vào các đại lý lớn, doanh nghiệp lớn theo phương thức đó. Khi thanh toán thì lấy giá mua bán tại thời điểm để “chốt” giá. Cứ theo đó thì “dịch vụ gửi” thật là linh hoạt, tiện lợi.

Thế nhưng, thực tế thì kết cục của nhiều ‘thương vụ” kiểu này đã không được như mong muốn. Từ việc gửi nông sản của nông dân vào đại lý, đại lý gửi cho công ty… đã tạo ra một dây chuyền nợ nần nhau; để đến khi “vỡ nợ” hoặc “trục trặc” thì gây ra nhiều sự phức tạp cho xã hội. Ðó là cảnh người dân đến xiết nợ chủ đại lý; đại lý kiện Công ty ra tòa…

Năm ngoái, trên địa bàn Ðắk Nông đã xảy ra vài vụ nông dân ký gửi cà phê vào đại lý, đến khi đại lý “vỡ nợ”, người dân kéo đến vây nhà “khổ chủ”. Còn trên địa bàn Tây Nguyên thì vụ kiện tụng nhau giữa Công ty TNHH Kim Ngọc (Ðắk Lắk) với Vinacafe Buôn Ma Thuột có lẽ là lớn nhất; bởi số lượng cà ký gửi tới 18.500 tấn, với giá trị hiện nay khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Từ năm 2010, vụ việc này đã được các cơ quan chức năng thụ lý. Mới đây nhất, Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã đưa vụ này ra phân xử, nhưng hai bên vẫn chưa vừa lòng. Không biết “hạ hồi” thế nào, nhưng hệ lụy của vụ việc là có hàng chục đại lý thu mua, hàng trăm nông dân đã vô tình vướng vào chuyện “dở khóc, dở cười” này.

Khảo sát qua những “thương vụ” không thuận này cho thấy, nguyên nhân chính là lâu nay, một số nông dân chỉ chú trọng vào việc sản xuất, làm ra sản phẩm chứ không tính đến việc bảo quản sau thu hoạch, nên rất ít người có kho, bãi. Ðã vậy, sự tính toán quá chi li về lợi nhuận của nhà nông đã bị các “nhà buôn” lợi dụng để trước hết là họ chiếm dụng vốn của người có nông sản; sau nữa là “nếu bí” thì đánh bài… liều.

Bên cạnh đó, người dân còn xem nhẹ các thủ tục pháp lý mang tính ràng buộc trong làm ăn kinh tế. Gửi vào đại lý hàng tấn cà phê, giá trị nhiều triệu đồng được làm bằng mô hôi, công sức cả năm trời; nhưng đổi lại có khi chỉ là mảnh giấy với vài con chữ làm tin.

Những người “xui” dính vào những “thương vụ” không thuận, trong cơn bực mình cũng thường tiếc nuối: “Giá như nhà mình có chỗ để, cứ tự bảo quản, khi cần thì mang bán”; hoặc là ”Biết thế bán quách đi, lấy tiền gửi ngân hàng cho chắc” v.v..

Người xưa đã nói ”Chọn mặt gửi vàng”, với nhiều ý nghĩa; nhưng trước hết với “nghĩa đen” là nhắc nhau cẩn trọng trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn vật chất. Mùa thu hoạch cà phê đã và đang tới; bà con nông dân hãy chọn “mặt đại lý” mà gửi cà phê, để khỏi mất của và đỡ mang “nhọc” vào thân.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/dien-dan/chon-mat-gui-vang-27502.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/dien-dan/chon-mat-gui-vang-27502.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    "Chọn mặt gửi vàng"
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO