Đời sống

Chơi Tết xưa … và nay

Hà An 13/01/2023 11:46

Nói đến Tết, người ta thường nghĩ đến những ngày quây quần, gặp gỡ, giao lưu và ăn chơi sau một năm lao động mệt nhọc, chuẩn bị cho một năm mới với những công việc thường ngày. Xã hội không ngừng phát triển, hồn cốt của cách chơi ngày tết cũng vì thế mà thay đổi theo điều kiện sống. Chơi tết xưa và nay cũng từ đó mà có những nét khác biệt.

“Chất keo” gắn kết Tết cổ truyền

Có thể xem Tết như một chuỗi nghi lễ, từ các nghi lễ kết thúc năm cũ (chung niên) và các lễ đón mừng năm mới (tất niên) còn được xem là thời điểm tống cựu nghinh tân (đón những điều mới tốt đẹp và trừ bỏ những cái cũ xấu). Điển hình như tiễn Ông Táo về Trời, tảo mộ những ngày cận Tết, lễ rước ông bà, tiễn Thần Phật, tục xông đất đầu năm …

tro-choi-dan-gian-ngay-tet-4-600x427.jpg
Chơi đu ngày Tết (Ảnh tư liệu)

Không khí mùa xuân bắt đầu rộn ràng từ những ngày giáp Tết. Lúc ấy, nhà nhà lau dọn để sắm sửa đồ mới, bàn thờ gia tiên được lau dọn sáng bừng, những mâm bánh trái được đơm đầy, những phiên chợ đông đúc người mua đồ ăn để mấy ngày Tết ấm no, không khí gói bánh chưng bánh tét, nồi thịt kho óng ánh vàng bên bếp lửa hồng, người lớn và trẻ con được dịp sắm quần áo mới, mua những bức thư pháp hay câu đối mang lời chúc tụng, những chậu hoa được sắm về trang hoàng làm thoảng hương Tết gần hơn.

Còn nhớ ngày xưa, những ngày áp Tết, trẻ con cánh chúng tôi được khoác lên mình bộ áo mới còn thơm nguyên mùi vải. Không phải bận tâm về chuyện chăn trâu, cắt cỏ, học hành mà lũ trẻ trong xóm tụ tập với những trò chơi dân gian như đánh ô quan, nhảy dây, đánh đáo…Anh chị thanh niên thì tập trung tại sân làng để làm đu, làm bánh xe xổ số phục vụ người dân chơi Tết.

Trên bàn thờ gia tiên, ngoài hương hoa, nhà nào cũng thay mới đôi câu đối đỏ, làm đèn lồng, xúc xích bằng giấy để trang hoàng.

Nói đến Tết, chúng ta thường biết đến với lễ và hội. Ngẫm lại ngày xưa, phần lễ trong Tết cỗ truyền đậm đặc hơn, chiếm thời gian của người lớn nhiều hơn trong những ngày Tết. Ba ngày Tết, những người phụ nữ thường “chôn chân” trong bếp với nào là làm cơm cúng bữa gia tiên; tiếp đãi khách khứa. Đàn ông đại diện gia đình đi chúc Tết, tiếp khách, rảnh rỗi thì đánh cờ, tổ tôm…

tro-choi-dan-gian-ngay-tet-7.jpg
Trò chơi đập niêu vẫn đang được nhiều nơi gìn giữ trong ngày Tết, lễ hội (ảnh tư liệu)

Hoạt động chơi xuân thường diễn ra sôi nổi bắt đầu từ sau mồng ba Tết. Trong dân gian có câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”, song ngày xưa việc “ăn Tết” bắt nguồn từ cuối tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng, thậm chí hết tháng Giêng nên thường gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Văn hóa chơi Tết ngày xưa cũng mang đậm văn hóa nông nghiệp mùa vụ. Chơi Tết vì thế đã trở thành hoạt động không thể thiếu, là “chất keo” gắn kết Tết cổ truyền ở mọi thời đại.

Chơi Tết đơn giản hơn

Xu hướng Tết trong thời buổi hiện đại ngày nay đơn giản hóa hơn và có phần rút ngắn hơn để bắt kịp nhịp sống hiện đại.

Bản thân Tết là một điểm nổi bật về văn hóa, văn hóa cũng luôn luôn cập nhật và thay đổi liên hồi theo nhịp sống. Phải chăng, Tết cũng thay đổi?

Những ngày gần Tết, chúng ta gặp nhau thường hỏi, “Tết này đi đâu không”?. Đó là một khác biệt giữa Tết xưa và nay. Nếu ngày xưa, du xuân bị giới hạn bởi cánh cổng làng thì ngày nay, không gian Tết được mở rộng, thậm chí không giới hạn. Không cần phải nghiên cứu, bản thân mỗi người dân Việt cũng nhận thấy có sự chuyển động, thay đổi trong chơi Tết. Thời đại ngày nay, phần lễ trong Tết được rút gọn, giao thoa và nhẹ nhàng hơn. Thời gian của Tết cũng không còn là “tháng Giêng ăn chơi” mà được rút ngắn trong vài ba ngày Tết. Vì vậy, người dân chơi Tết đang có xu hướng dã ngoại để tìm cảm giác thảnh thơi, hưởng trọn sắc xuân với những thắng cảnh đẹp. Việc sắm Tết ngày nay cũng không còn là vấn đề được chú trọng như trước. Chợ Tết ngày nay cũng không còn tấp nập, đông đúc như trước vì nhiều người dân đã chọn cách thức sắm Tết online…

img_20220508_2(1).jpg
Tà Đùng, một trong những điểm đến của nhiều du khách trong dịp Tết (ảnh tư liệu)

Thời gian chơi Tết rút ngắn nên các trò chơi dân gian ngày trước cũng ít thu hút người dân.

Nắm bắt xu hướng đó, gần Tết, các khu điểm du lịch cũng đã sẵn sàng cho khách chơi xuân. Thậm chí, các nhà mạng còn đưa các trò chơi cổ truyền vào game để phục vụ người dân…

Theo vòng quay thời gian, Tết thay đổi để hợp lòng người, hợp lòng thời đại. Nhưng chúng ta tin chắc rằng: Tết sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống và trong trái tim mỗi người con nước Việt.

Phải chăng, sự thay đổi trong xu hướng chơi Tết cũng là hình thức để phù hợp hơn với xu thế, lao động thời công nghiệp. Điều không thay đổi đó là, ngày Tết, trong lòng chúng ta luôn hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Một năm mới trọn vẹn là khi gia đình quây quần với những hoạt động vui xuân; những lời chúc tụng tốt đẹp nhất; bỏ qua những đố kỵ, thị phi năm cũ để hướng đến những mục tiêu mới.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chơi Tết xưa … và nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO