Tiện lợi và chuyển biến từ cơ sở
Hoạt động của chợ 4.0 cho phép người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương hướng thanh toán hiện đại, thanh toán số. Tại Trung tâm Thương mại huyện Đắk Song, địa điểm mới nhất thực hiện mô hình chợ 4.0 này, người dân trên địa bàn huyện khá thích thú trải nghiệm dịch vụ.
Viettel Đắk Nông triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0 tại Trung tâm thương mại huyện Đắk Song (chợ huyện Đắk Song) |
Chị Lê Thị Hồng Trinh -một trong những tiểu thương đầu tiên tại Trung tâm thương mại huyện Đắk Song đưa vào sử dụng mã QR của Viettel để thanh toán trong tháng 12. Sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, hiện hơn 20% khách hàng đến với cửa hàng của chị Trinh sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến khi được sự khuyến khích của chủ cửa hàng và tiện lợi từ thanh toán qua mã QR mang lại.
“Khách hàng đến đây mua hàng, thanh toán bằng mã này rất tiện lợi, hữu ích khi không phải giao dịch trả tiền dư như thanh toán bằng tiền mặt. Nhiều khi bán hàng đông khách không có thời gian bấm, đọc số tài khoản, khách chỉ cần mở lên quét mã QR chuyển khoản nên rất nhanh”, chị Lê Thị Hồng Trinh cho biết.
Nhân viên Vietel Đắk Nông tư vấn, hỗ trợ tiểu thương tạo tài khoản và trang bị bảng quét mã QR |
Cầm điện thoại thay tiền mặt
Chợ công nghệ, chợ 4.0 là hình thức vận hành dựa trên các giao dịch mua bán tại chợ truyền thống. Theo đó, các tiểu thương được hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money và trang bị bảng quét mã QR. Tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money. Với hình thức này, người dân có thể thoải mái đi mua sắm trong chợ mà không còn những băn khoăn như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa.
Chị Nguyễn Thị Hậu, tổ dân phố 4, thị trấn Đức An (Đắk Song) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy việc thanh toán online qua quét mã QR rất tiện lợi và rất ủng hộ trả tiền mua hàng theo cách này. Mình đi đâu mua hàng chỉ cần cầm theo điện thoại để thanh toán qua mã QR này là có thể thanh toán số tiền mình cần mua rồi”.
Tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR |
Ngoài Trung tâm thương mại huyện Đắk Song còn có Đắk Mil, Đắk R'lấp đã triển khai mô hình chợ 4.0 trong năm 2022. Đến nay, có hơn 100 tiểu thương đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money và được trang bị mã QR kết nối với các ngân hàng và các ví điện tử. Việc này tạo thuận lợi cho tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Sau thời gian đưa vào hoạt động, tại các chợ 4.0 đã phát sinh hơn 500 giao dịch mỗi tháng, với số tiền hàng chục triệu đồng.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Viettel Chi nhánh tỉnh Đắk Nông cho hay: “Qua triển khai chợ 4.0 ở Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, chúng tôi nhận thấy người dân đặc biệt là các tiểu thương, các chủ cửa hàng rất đồng tình ủng hộ. Năm 2023 và những năm tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng mô hình đến các địa phương, đặc biệt là ở các xã. Việc triển khai chợ 4.0 giúp việc chuyển đổi số một cách sâu rộng xuống cả các vùng khó khăn nhất và người dân sẽ được hưởng lợi từ mô hình chợ 4.0 này”.
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán điện tử của cả nước đạt 50%, trong đó, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đạt 30%. Để hoàn thành các mục tiêu này, việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống hàng ngày, từ khu vực trung tâm, thành thị đến nông thôn. Do đó, việc triển khai chợ công nghệ, chợ 4.0, số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực.