Kinh tế

Chính sách phát triển doanh nghiệp - Đắk Nông cần thêm "gia vị" gì?

Nhóm PV 13/10/2023 14:27

Doanh nghiệp Đắk Nông ngày càng lớn mạnh, đóng góp rõ nét trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần thêm nhiều chính sách đặc thù, sát thực tiễn hơn để giúp cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, đạt quy mô, tầm cỡ và bền vững.

cuoi.png

Doanh nghiệp Đắk Nông ngày càng lớn mạnh, đóng góp rõ nét trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần thêm nhiều chính sách đặc thù, sát thực tiễn hơn để giúp cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, đạt quy mô, tầm cỡ và bền vững.

1.png

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là giải pháp được tỉnh Đắk Nông thực hiện xuyên suốt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh huy động sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

ong-ninh.png

Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH - ĐT cho rằng, hàng năm, UBND tỉnh Đắk Nông công khai công bố bộ chỉ số DDCI. Đây là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các sở, ngành, địa phương. Chỉ số này công bố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đến nay, tổng thời gian giải quyết các thủ tục trên địa bàn tỉnh đã giảm trên 30% so với quy định của Trung ương.

Đáng phấn khởi nhất là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tiếp tục giảm từ 22 ngày xuống còn 20 ngày. Đắk Nông đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 77 thủ tục hành chính. Một số cách làm hay được các đơn vị triển khai như: mô hình cà phê doanh nhân; thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Sở Nội vụ với mô hình “ngày không hẹn, ngày không viết”.

img_9522-1-.jpg
Đắk Nông triển khai mô hình cà phê doanh nhân

Nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức về thu hút đầu tư đã được nâng cao. Quá trình phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp từng bước cải thiện.

Thực tế, hiện vẫn còn những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Đắk Nông đang tập trung khắc phục những hạn chế, cùng đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.

2.png

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Điều đó được thể hiện qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Đắk Nông tăng 14 bậc, vươn từ vị trí thứ 52 lên thứ 38/63 tỉnh, thành trong cả nước.

62.jpg

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông Nguyễn Ngọc Chính bày tỏ, Đắk Nông đang có sự chuyển mình tích cực từ các cấp chính quyền. Điều đó được thể hiện qua tính năng động và tiên phong của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chính quyền linh hoạt hơn, sáng tạo hơn trong việc giải quyết các sự việc. Chất lượng thực thi chính sách của các sở, ngành và địa phương được cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn những hạn chế, điểm nghẽn và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Rào cản đáng chú ý nhất đó là quy hoạch vùng chưa rõ ràng, chưa ổn định, dẫn đến tình hình tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa được phát triển, dẫn đến chi phí logistics của Đắk Nông tăng cao. Chi phí sản xuất, giá thành các sản phẩm, hàng hóa vì thế cũng luôn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

dji_0387(1).jpg
Giao thông Đắk Nông chỉ có duy nhất đường bộ dẫn đến chi phí logistics của Đắk Nông tăng cao

Mặt khác, về phía doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đưa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản trị của mình. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực lao động chưa cao. Tình trạng này dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của các dự án đầu tư vào tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Do đó, để thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm tối đa các chi phí phát sinh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, chính quyền địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp, sát với thực tiễn hơn nữa. Từ đó, giúp doanh nghiệp đến và đầu tư các dự án hiệu quả tại Đắk Nông.

8.png

Theo ông Lê Trọng Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp khoáng sản hiện nay là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa vào diện khai thác. Chưa kể,công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để lấy đất khai thác khoáng sản gặp nhiều trở ngại.

ong-thiet.png

Hàng năm, các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng được cấp phép ngay khi giấy phép có hiệu lực. Tuy nhiên, khi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp không thể khai thác ngay hoặc đưa mỏ vào hoạt động. Bởi vì, có những diện tích đất chưa “sạch” hoặc phải thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để được giao đất, cho thuê đất.

Cũng theo ông Lê Trọng Thiết, khi không tổ chức khai thác được, khai thác không đạt công suất cấp phép, doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này. Việc này đã tạo áp lực, khó khăn tài chính đáng kể cho doanh nghiệp trong bối cảnh không có doanh thu, nhưng vẫn phải nộp khoản tiền này vào ngân sách

5.png
5.jpg

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh ngiệp Đắk Nông (IPEC) đang tìm giải pháp đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp.

Một trong những phương thức được IPEC triển khai là chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang hướng chủ động. Mục tiêu, hàng năm sẽ xây dựng kế hoạch tham gia từ 7-10 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch trong nước; 2-3 sự kiện xúc tiến đầu tư, du lịch ngoài nước; thực hiện tổ chức hoặc lồng ghép tổ chức từ 2-3 sự kiện trong hoặc ngoài tỉnh. Với thị trường trong nước, IPEC tập trung vào các tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh…

Với nước ngoài, tỉnh sẽ tập trung tại các thị trường truyền thống là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Mỹ... Đồng thời, mở rộng đối với các nước là thành viên của các hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA...

kk-ht638090730728579927.jpg
Đắk Nông và Mondulkiri ký kết Thoả thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2023-2026 Ảnh: daknong.gov.vn

Đối với nước bạn Campuchia, IPEC tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai một số nội dung trong Chương trình ký kết hợp tác phát triển với tỉnh Mondulkiri. Trong đó, phối hợp tổ chức khảo sát các tuyến, tour nhằm xây dựng và liên kết phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối tour - tuyến liên quốc gia; hợp tác, liên kết phát triển du lịch biên giới, tăng cường giao lưu trao đổi khách du lịch giữa 2 tỉnh và các tỉnh lân cận của 2 nước; phối hợp tổ chức các đoàn tham quan, hỗ trợ các doanh nghiệp 2 tỉnh giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến với hai địa phương…

IPEC cũng tham mưu cho tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, kêu gọi đầu tư vào Đắk Nông…

giao-luu(1).jpg
Quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa Đắk Nông Ảnh: Đinh Thanh Hải

Đặc biệt, IPEC sẽ đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của doanh nghiệp Đắk Nông gắn kết với hoạt động quảng bá du lịch, góp phần kích cầu tiêu dùng mua sắm sản phẩm hàng hóa và thu hút du lịch nội địa.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản của Đắk Nông sẽ được hỗ trợ tiếp cận trực tiếp hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong đó, chú trọng các hoạt động đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

6png.png

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông (Công ty) đã tiếp nhận quản lý, khai thác 106/114 công trình cấp nước tập trung nông thôn.

1(1).jpg

Qua 3 năm tiếp nhận, hệ thống các công trình từ chỗ xuống cấp nghiêm trọng nay đã được Công ty nâng cấp, sửa chữa, phát huy tác dụng. Để nâng cao hiệu quả các công trình, Công ty cần có vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục lớn, đầu tư công nghệ bảo đảm chất lượng nước. Thế nhưng, hiện nay hoạt động từ thu tiền nước ở công trình không thể đáp ứng. Cụ thể, đơn giá nước Công ty đang thực hiện tạm thu từ 3.000-7.000 đồng/m3 cho khoảng 4.700 khách hàng. Khách hàng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn.

Với đơn giá tạm thu hiện nay chỉ bảo đảm chi trả được tiền điện, một phần nhỏ chi phí sửa chữa và nhân công vận hành. Công ty không có kinh phí để triển khai thực hiện bảo dưỡng, duy tu khôi phục lại các công trình dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả. Nguy cơ tiếp tục bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt của người dân có thể xảy ra.

Từ thực tế trên, Công ty mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các bên liên quan, sớm hoàn thiện, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về hỗ trợ giá nước sạch nông thôn cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là vấn đề không chỉ giúp cho Công ty tăng khả năng phục vụ các công trình cấp nước tập trung mà còn có ý nghĩa đối với nâng cao chất lượng đời sống.

3.png

Ông Trương Công Toàn, Chi hội trưởng chi hội doanh nghiệp Nhân Cơ cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đắk Nông chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng số lượng lao động và nguồn vốn lại rất hạn chế. Vì vậy, dễ bị tổn thương bởi những yếu tố tác động.

ong-toan-dung-13.10.png

Một trong những mong muốn được cộng đồng doanh nghiệp đề cập tới đó chính là được tiếp cận nhanh với những chính sách mới để kịp thời có sự bổ sung, điều chỉnh trong quá trình tham gia hoạt động. Việc hỗ trợ tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các loại thuế, phí tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp cần được tăng cường hơn nữa.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Đây là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp được tốt hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ có thêm những giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất và khởi nghiệp.

7-.png

Nhờ đầu tư phát triển cà phê đặc sản, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tăng hiệu quả kinh tế lên 1,5 lần.

2.jpg

Hiện nay, HTX có 240 thành viên với 500 ha cà phê. Trong đó, HTX đang canh tác 10 ha cà phê theo hướng hữu cơ thuộc đề án khuyến nông Trung ương và 120 ha cà phê theo tiêu chuẩn RA (Rainforest Allliance). Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái cho biết, nhờ đầu tư phát triển cà phê đặc sản, HTX đã tăng hiệu quả kinh tế lên 1,5 lần so với trước đây.

Hiện nay, HTX tiếp tục tập hợp nông dân mở rộng diện tích phát triển cà phê theo hướng chất lượng cao, đặc sản. Bên cạnh đó, HTX liên kết với các đối tác sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị sản phẩm.

baodaknong.org.vn-database-image-2022-01-06-_3744-kt-1.jpg
Vùng nguyên liệu cà phê của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ…

Tuy nhiên, hiện HTX rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nên nâng cao năng suất, chất lượng chưa cao. Từ khi thành lập đến nay (2017), HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để bổ sung vốn lưu động cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

HTX hiện chưa có trụ sở, khu chế biến riêng nên gặp nhiều khó khăn trong điều hành sản xuất, phát triển qui mô lớn hơn. Mục đích sản xuất, kinh doanh của HTX là mang lại lợi ích cho thành viên. Do đó, HTX mong muốn HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông quan tâm xây dựng những chính sách ưu đãi, đặc thù cho các HTX như được giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà xưởng, chế biến.

HTX cũng mong muốn được vay vốn để thu mua, tích trữ nguyên liệu đầu vào. Qua đó, có nguyên liệu chế biến liên tục, cung cấp hàng hóa thường xuyên cho các đối tác hợp đồng tiêu thụ.

9.png

Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã đầu tư cho chế biến sâu sản phẩm cà phê từ nhiều năm nay. Sản phẩm của công ty chủ yếu được sản xuất theo quy trình chế biến ướt, với tỷ lệ quả chín cao. Sau khi hái quả được tuyển rửa, bóc vỏ, phơi trên sàn và chế biến.

thoan-1.png

Cà phê bột của công ty đạt nhiều chứng nhận về chất lượng như Trung tâm nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp châu Á (TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận cà phê Bốn Hiệp là thương hiệu mạnh ASEAN năm 2019. Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á và Viện Khảo sát, đánh giá chỉ số cạnh tranh chứng nhận sản phẩm là “Top 10 thương hiệu mạnh đất Việt, gương mặt doanh nhân xuất sắc đất Việt lần IV năm 2019”. Năm 2022, cà phê bột của doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Những năm qua, công ty mong muốn được đầu tư thêm về máy móc, nhà xưởng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cũng khó khăn nên nhiều dự định chưa thực hiện được.

Việc sản xuất của công ty vẫn chỉ dừng lại ở hình thức bán tự động, nhiều khâu thủ công như tuyển, rửa quả tươi, loại bỏ tạp chất, đóng gói. Điều này đã gây ra nhiều hạn chế, bấp cập cho công ty trong quá trình nâng tầm giá trị sản phẩm cũng như tìm kiếm, hợp tác với các bạn hàng lớn. Công ty mong muốn được tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

Nhóm PV thực hiện

Thiết kế: Hoài Anh

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chính sách phát triển doanh nghiệp - Đắk Nông cần thêm "gia vị" gì?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO