Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023

25/04/2023 14:20

Một số chính sách mới về vực giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT; sửa đổi quy định cộng điểm ưu tiên;...

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023 - Ảnh 1.

Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 (Thông tư 01-04) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (chứng chỉ) như sau:

Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN).

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm

 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định về xếp lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở công lập. Cụ thể, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của CDNN hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào CDNN tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I có bằng cử nhân trở lên

Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng I: Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Còn tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định trên sửa đổi là: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I: Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học sơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Còn tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định trên sửa đổi là: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Như vậy,  quy định mới đã không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Trong đó, sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 4: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (quy định cũ 9 năm).

Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 5: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (quy định cũ 6 năm).

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023 - Ảnh 2.

Quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu lực thi hành từ ngày 9/5/2023.

Trong đó, quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi theo Quy chế mới chỉ bao gồm “bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí”.

Thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12

Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi liên quan đến quy định về hồ sơ đăng ký dự thi dành cho đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi.

Cụ thể, hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các loại chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Sửa đổi quy định cộng điểm ưu tiên

Về điểm ưu tiên, Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là:

“Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT”

Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, cụ thể:

“Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương”.

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023 - Ảnh 3.

Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng giáo dục mầm non 

 Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2023. 

 Theo Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT, chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (gọi chung là học phần). Chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường, bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.

Thông tư nêu rõ có 2 hình thức đào tạo gồm đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học.

Đối với đào tạo chính quy: Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo.

Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.

Đối với đào tạo vừa làm vừa học: Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo.

Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-sach-moi-ve-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-5-2023-119230425140432199.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-sach-moi-ve-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-5-2023-119230425140432199.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2023
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO