Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội Pháp về kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ. |
Tuần trước, sau khi Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thông báo chính phủ sẽ thực hiện kế hoạch cải cách chế độ hưu trí mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua, phe đối lập đã đệ trình hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Động thái nêu trên đã đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron sau chưa đầy một năm đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai.
Ngày 20/3, Hạ viện Pháp đã bác bỏ kiến nghị đầu tiên do liên minh LIOT trung dung đưa ra và được cánh tả ủng hộ, với chênh lệch chỉ 9 phiếu. Sau đó, kiến nghị thứ hai do đảng cực hữu National Rally đưa ra cũng bị bác bỏ với số phiếu áp đảo, theo đó chỉ có 94 phiếu ủng hộ bất tín nhiệm trong tổng số 577 nghị sĩ Hạ viện. Việc hai kiến nghị đều bị bác bỏ đồng nghĩa kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Chính phủ Pháp, theo đó nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đã được cơ quan lập pháp thông qua.
Sau các cuộc bỏ phiếu, các cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra tại trung tâm thủ đô Paris cũng như ở các thành phố khác của Pháp, trong đó có Dijon, Strasbourg và Rennes. Cảnh sát Pháp cho biết tại Paris đã có 101 người bị bắt giữ trong các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh.
Ngoài ra, các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt đình công và biểu tình mới vào ngày 23/3. Dự báo sự kiện này sẽ khiến hệ thống giao thông công cộng lại bị đình trệ ở một số khu vực của nước Pháp.
Trước đó, cuộc đình công liên tục của công nhân thu gom rác ở Paris khiến rác thải bị tồn đọng ở thủ đô. Việc vận chuyển các sản phẩm từ các cơ sở lọc dầu chính của tập đoàn dầu khí TotalEnergies tại Pháp đã bị ngưng trệ trong ngày 20/3 khi cuộc đình công ở các cơ sở này đã bước sang ngày thứ 13.
Chính phủ Pháp khẳng định việc cải cách chế độ hưu trí là cần thiết trong bối cảnh dân số nước này đang già hóa. Trong khi đó, những người phản đối cải cách cho rằng việc này đặt gánh nặng không công bằng lên những người có thu nhập thấp, phụ nữ và lao động phổ thông.