Ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp với các nhà lãnh đạo công nghệ để thảo luận về những tiềm năng cũng như rủi ro của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại cuộc họp với 8 chuyên gia công nghệ từ các học viện và nhóm vận động chính sách, Tổng thống Biden cho rằng trong 10 năm tới, công nghệ sẽ chứng kiến nhiều thay đổi hơn so với trong 50 năm qua, chủ yếu nhờ sự phát triển vượt bậc của AI.
Trong số các chuyên gia dự họp có ông Tristan Harris, người đứng đầu Trung tâm công nghệ con người; ông Jim Steyer, người đứng đầu tổ chức Common Sense Media và ông Joy Buolamwin, người sáng lập Algorithmic Justice League.
Sự xuất hiện của ChatGPT và các công cụ chatbot AI khác đã thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực AI. Các công cụ AI có khả năng tạo văn bản, soạn nhạc, tạo hình ảnh và mã hóa máy tính.
Các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng tự động hóa sẽ giúp tăng năng suất lao động, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, AI có thể khiến nhiều người lao động bị mất việc làm.
Công nghệ này cũng có nguy cơ bị khai thác để tạo các hình ảnh và video chứa những thông tin chưa được kiểm chứng, có thể gây ra nhiều hậu quả, trong đó có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Các chính phủ và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp quản lý AI và ngăn chặn tác động tiêu cực của công nghệ này trước khi quá muộn.
Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét các biện pháp nhằm quản lý AI để vừa có thể sử dụng AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia, vừa có thể ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng của công nghệ này. Tháng 5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã tập hợp các CEO công nghệ tại Nhà Trắng để thảo luận các biện pháp quản lý AI.
Hiện các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ nhóm họp 2-3 lần/tuần về vấn đề AI. Chính phủ Mỹ đang muốn các công ty tư nhân tham gia giải quyết những rủi ro có thể xảy ra từ AI./.