Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2017

VOV| 03/10/2017 17:50

Sáng 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017. Mặc dù kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng là tích cực, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành không được chủ quan mà phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm như đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, trong quý III, kinh tế cả nước tăng trưởng đột biến lên mức 7,46%, chủ yếu ở các khu vực sản xuất dịch vụ; nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với mức xuất khẩu nông sản đạt cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, bán lẻ và du lịch.

Thủ tướng cho rằng, với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, cùng với khắc phục tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo, điều hành và khắc phục một số tồn tại, bất cập thì năm nay sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ hoàn thành vượt mức toàn diện tất cả 13 chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội giao. Và quan trọng là tăng trưởng từ động lực phát triển sản xuất dịch vụ chứ không phải là tăng trưởng từ tín dụng hoặc khai khoáng.

Thông tin đáng mừng nữa là Diễn đàn kinh tế thế giới vừa đánh giá, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc. So với cách đây 5 năm thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng đến 50 bậc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei vừa công bố của Việt Nam đạt 53 điểm, cao nhất trong khối ASEAN. Không khí làm ăn của người dân, doanh nghiệp rất sôi động.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu tăng trưởng 20 - 21%, tăng gấp 3 lần kế hoạch. Trong đó nông nghiệp có khả năng đạt kết quả xuất khẩu 35 tỷ USD.

Nhìn lại 3/4 chặng đường đã đi qua của năm 2017, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó lũy kế đến nay, các Bộ, ngành đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính.

Điều đáng mừng là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 3,79%. Các cân đối lớn của nền kinh tế giữ được, nhất là thu ngân sách tăng gần 14%; thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất từ 2008.

Trong đó khi đó, thu hút FDI đạt gần 26 tỷ USD tăng trên 34%. Vốn thực hiện là 12,5 tỷ USD. Cả nước có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới, tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi. Niềm tin thị trường và xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước tăng lên.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mặc dù kết quả đáng mừng như vậy, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2017, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành không được chủ quan, nhất là trước những bất thường của thời tiết, khí hậu có thể xảy ra trong quý IV. Thay vào đó càng phải tập trung điều hành quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp thì mới hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Theo Thủ tướng, nếu cứ say sưa với kết quả đạt được vừa qua mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. 9 tháng đạt 6,41% là cao hơn cùng kỳ, nhưng muốn cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải đạt 7,4 - 7,5%.

“Con số không dễ dàng, các ngành, các lĩnh vực phải rà soát lại. Trong đó các ngành có chức năng phải tìm ra những hạn chế, yếu kém; các địa phương trọng điểm phải tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, yếu kém phải các Bộ, ngành phải tập trung xử lý. Đầu tiên là lĩnh vực công nghiệp. Dù lĩnh vực chế biến chế tạo tăng mạnh nhưng khu vực công nghiệp xây dựng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ. Tồn tại nữa là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đến nay mới giải ngân được gần 55%.

“Chúng ta đang nói thiếu vốn, nhưng nền kinh tế có vốn rồi nhưng giải ngân không phải dễ. Đây có phải là việc mà chúng ta cần phải quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng? Các lĩnh vực đầu tư xây dựng phải tìm cách giải ngân hết số vốn trên 307.000 tỷ kế hoạch năm 2017” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất giải pháp địa phương nào, ngành nào không làm được thì kiên quyết cắt giảm theo đúng quy định để sử dụng cho việc cấp bách khác. Chế tài này để các địa phương, các ngành phải tập trung, chứ không thể nói là muốn giải ngân cũng được mà không cũng được. Nền kinh tế đang khát vốn, nếu đưa tiền các ngành, các địa phương không triển khai được thì phải điều chuyển.

Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng “giậm chân tại chỗ” trong cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước sau 9 tháng, khi đến nay mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; mới thoái vốn 11.800 trong số 60.000 tỷ đồng.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, dù 9 tháng qua có 94.000 doanh nghiệp mới thành lập, và 21.000 doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, nhưng Thủ tướng lưu ý số lượng doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để giải thể lên tới 8.700 doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng các yêu cầu các bộ ngành thảo luận giải pháp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội sắp diễn ra, trong đó có các báo cáo, tài liệu, dự thảo luật do Chính phủ phải khẩn trương hoàn thành để trình tại kỳ họp. 

Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công; báo cáo việc bố trí cán bộ cấp xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm; Tờ trình về việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số; Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/chinh-phu-hop-phien-thuong-ky-thang-9-2017-57333.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/chinh-phu-hop-phien-thuong-ky-thang-9-2017-57333.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2017
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO