Chính phủ Đức ngừng tiếp nhận người xin tị nạn từ Italy

Phương Hoa - Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)| 13/09/2023 21:28

Đức dự kiến sẽ tiếp nhận 3.500 người xin tị nạn từ Italy, nước nhập cảnh đầu tiên của người di cư. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận 1.700 người, Đức quyết định tạm ngừng kế hoạch này.

Chinh phu Duc ngung tiep nhan nguoi xin ti nan tu Italy hinh anh 1
Người tị nạn tại sân bay ở Frankfurt am Main (Đức), ngày 25/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 13/9, Đức ra thông báo cho biết nước này đã ngừng tiếp nhận người di cư từ Italy theo kế hoạch “đoàn kết tự nguyện” của châu Âu, nhằm giảm bớt áp lực đối với các quốc gia nằm ở biên giới vành ngoài Liên minh châu Âu (EU), vốn được xem “điểm đến đầu tiên” của người di cư.

Theo cơ chế “đoàn kết tự nguyện”, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận 3.500 người xin tị nạn từ Italy, nước nhập cảnh đầu tiên của người di cư. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận 1.700 người, Đức quyết định tạm ngừng kế hoạch này.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Trước áp lực quá lớn, việc đình chỉ thủ tục Dublin của một số quốc gia thành viên, trong đó có cả Italy, càng làm gia tăng những thách thức lớn đối với Đức trong việc tiếp nhận và xử lý nơi ăn ở của người di cư.” Do đó, Berlin đã thông báo cho Italy về quyết định hoãn tiếp nhận người di cư cho đến khi có thông báo mới.

Theo cái gọi là “thủ tục Dublin”, những người di cư trái phép phải được đăng ký thủ tục tị nạn tại chính quốc gia EU mà họ nhập cảnh vào đầu tiên. Nếu những người này bị một quốc gia khác trong khối từ chối, họ có thể bị đưa trở lại nước đầu tiên tiếp nhận.

Về phần mình, các nước Địa Trung Hải như Italy lập luận rằng các quy định này đặt gánh nặng quá mức lên các quốc gia nằm trên biên giới vành ngoài EU, nhất là khi người di cư đến những nước này chỉ coi đây là điểm trung chuyển trước khi chuyển đến và sinh sống ở các nước EU khác.

Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn, chủ yếu từ Syria và Iraq, trong giai đoạn 2015-2016. Số người nhập cư vào Đức đã giảm mạnh trong vài năm qua, tuy nhiên, kể từ năm 2022, chính quyền lại ghi nhận sự gia tăng lớn về lượng người di cư đến nước này.

Những con số mới nhất do cảnh sát liên bang cung cấp cho thấy, đã có 15.100 người di cư trái phép đến Đức trong tháng 8 vừa qua, tăng 40% so với con số 10.714 của tháng trước đó.

Cùng ngày 13/9, Serbia đã điều lực lượng đặc nhiệm đến biên giới với Hungary trước tình trạng mỗi ngày có hàng trăm người di cư đang cố gắng đến được EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Serbia lâu nay đã triển khai lực lượng cảnh sát ở khu vực biên giới do quốc gia này nằm trên tuyến đường chính của người di cư từ châu Á, châu Phi và Trung Đông, chủ yếu đến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay Serbia đã điều thêm nhân lực được vũ trang hạng nặng sau khi một tổ chức phi chính phủ cho rằng đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm tội phạm, trong khi một quan chức cảnh sát xác nhận đã có xung đột giữa những người di cư.

Hôm 12/9, cảnh sát Serbia cho biết đã bắt giữ 371 người di cư dọc theo biên giới và một số đối tượng liên quan đến hoạt động di cư trái phép.

Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ CAS của Serbia, mỗi ngày có khoảng 1.500 người di cư tìm cách vượt biên vào Hungary, một quốc gia thành viên EU, trong số đó nhiều người phải trả tiền mặt cho các băng nhóm buôn người.

Tổ chức này cũng cho biết ngày càng nhiều vụ đụng độ vũ trang liên quan đến người di cư và các vụ việc này là do các nhóm tội phạm tranh giành lãnh thổ hoạt động của nhau.

Theo số liệu chính thức, các trung tâm tiếp nhận của Chính phủ Serbia đã đón 3.326 người di cư, tuy nhiên những người này không ở trong các trung tâm đó mà thường xuất hiện trên các đường phố của thủ đô Belgrade cũng như dọc theo 175km đường biên giới với quốc gia láng giềng Hungary./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-duc-ngung-tiep-nhan-nguoi-xin-ti-nan-tu-italy/894214.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-duc-ngung-tiep-nhan-nguoi-xin-ti-nan-tu-italy/894214.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chính phủ Đức ngừng tiếp nhận người xin tị nạn từ Italy
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO