Chính phủ báo cáo Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn

Nguồn Chinhphu.vn| 19/11/2013 14:45

Sáng 19/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào một số lĩnh vực lớn: Nông nghiệp, VHTTDL, LĐTBXH.

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo tiền đề, định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường…

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với thị trường và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương gắn với bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, bảo đảm liên kết với quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Báo cáo của Chính phủ về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về chính sách nhằm hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn kết giữa sản xuất, công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu.

Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các tỉnh, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo Bộ NNPTNT chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản. Đồng thời, tổng kết đánh giá các mô hình, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản được hoàn thiện Công tác kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa gạo được tăng cường.

Trong 3 năm 2011-2013 Phong trào xây dựng nông thôn mới đã huy động 105 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 5 nghìn tỷ đồng; các địa phương đã lồng ghép và bố trí khoảng 31 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có 93,1% số xã trong cả nước hoàn thành quy hoạch, 79,2% số xã hoàn thành việc xây dựng đề án nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn nhiều nơi được cải thiện rõ rệt, nhất là về giao thông (trong 3 năm đã làm mới được 38.000 km đường).

Về lĩnh vực VHTTDL, nhiều cuộc vận động, phong trào văn hóa được tích cực triển khai thực hiện như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”, “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”. Quan tâm phát triển, có cơ chế đặc thù để phát huy đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa tài năng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 6,1 triệu lượt, tăng 10,4%, ước cả năm 7,5 triệu, tăng 9,5%; khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 10%; ước cả năm 35 triệu, tăng 7,7%.

Đối với lĩnh vực LĐTBXH, Chính phủ đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp cấp huyện thành một trung tâm.

Tích cực thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định rõ nhu cầu nhân lực ở các trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nhất là ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động với 18 nhiệm vụ trọng tâm và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Qua 1 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm còn 7,8%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận về một số hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo. Chính sách còn dàn trải, chồng chéo, hiệu quả chưa cao (hiện có khoảng trên 70 chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội và giảm nghèo). Việc hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung chính sách còn chưa kịp thời đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Chính phủ đang nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp "cho không", gắn với hỗ trợ sản xuất, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, nhiều đại biểu (ĐB)  bày tỏ tán thành việc loại bỏ được hơn 400 thủy điện.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: Đã có nhiều quyết liệt trong thực hiện, tạo kết quả tốt ở nhiều lĩnh vực, đáp ứng được mong đợi của cử tri. Đặc biệt kỳ này đã có báo cáo quy hoạch thủy điện, tới đây QH có nghị quyết để chấn chỉnh quy hoạch thủy điện, đây là chuyển động rất tốt.

Tuy nhiên, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng, việc thực hiện các lời hứa còn chậm, chưa hiệu quả. ĐB Nguyễn Thái Học nói điển hình là giải quyết khó khăn của bà con vùng thủy điện, có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công thương. Tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao, đời sống khó khăn cả về mùa khô và càng khổ về mùa lũ như đang diễn ra ở miền Trung, Tây Nguyên. Dù Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này, thậm chí Chủ tịch Quốc hội gợi ý trích một phần lợi nhuận của các công trình thủy điện để chăm lo cho bà con. Nghị quyết chất vấn cả kỳ họp 3, 4 đều giao Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện, chậm nhất trong năm 2013. Nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Đáng buồn hơn là ngay tại kỳ họp này, trả lời 2 chất vấn, Bộ Công thương đã cho đó là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Theo ĐB Học, đây là vấn đề được ĐBQH nêu ra nhiều trong các kỳ họp. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết yêu cầu trong năm 2013 ban hành chính sách dành cho bà con nghèo vùng thủy điện. "Chúng tôi đã báo cáo cử tri, bà con rất vui. Nhưng giờ thì không biết báo cáo với bà con thế nào. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này", ông Học nói.

Buổi chất vấn sáng nay đã “nóng” lên với những ý kiến đòi truy trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương trong vấn đề thủy điện. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nói: Chúng ta ngồi đây khi đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, mà nguyên nhân một phần do thiên tai. Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương phải có quy trình xả lũ của thủy điện, bắt buộc thực hiện, không được cố tình tích nước để xả lũ gây thiệt hại. Đã có quy định thì bắt buộc phải làm, làm sai thì truy cứu hình sự. Không thể chấp nhận vì lợi ích nhỏ, vì vài tỷ đồng tiền lãi từ thủy điện mà tích nước rồi bắt đồng bào ở hạ lưu gánh hết khi xả lũ.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng nói: Ngay giờ phút này, bà con miền Trung, Tây Nguyên đang bị khốn khổ vì lũ lụt. Chính phủ nỗ lực phòng tránh bão lũ, cử 2 Phó Thủ tướng vào chống lũ cùng đồng bào. Nhân dân cả nước cũng sát cánh bên bà con vùng lũ. Nhưng người dân mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp thật căn cơ để bảo đảm đời sống bà con vùng lũ. Nếu không căn cơ thì dù có cử các Phó Thủ tướng vào chống lũ thì năm nào vẫn xảy ra thiên tai, nhân tai, đời sống của bà con thì ngày càng khốn khổ. Không có giải pháp căn cơ thì Phó Thủ tướng đi, lũ lại về.

Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc, cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi bị bão lũ gắn với xây  dựng nông thôn mới. Quy hoạch lại thủy điện thủy lợi. Không thể chấp nhận xả lũ mà nhân dân không thể biết, rồi sau đó cứ tranh luận xem trách nhiệm của ai. Phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm để làm gương. Không thể nhìn hàng chục người dân bị chết, hàng trăm tỷ đồng của bà con bị lũ cuốn mà không ai bị xử lý cả.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện di dân, tái định cư ở thủy điện. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ đang chỉ đạo xây dựng đề án về vấn đề này, tháng 12-2013 sẽ nghiệm thu. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ đề án, kèm theo chính sách giải quyết khó khăn theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Kèm theo đó, trình chính sách sửa đổi về công tác di dân, tái định cư. 

Phát biểu cuối buổi chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao hơn trong lĩnh vực thủy điện, trong đó có trách nhiệm xả lũ.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-ve-chat-van-tra-loi-chat-van-28156.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-ve-chat-van-tra-loi-chat-van-28156.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Chính phủ báo cáo Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO