Ảnh minh họa. (Nguồn: safety4sea)
Theo Reuters, Chính phủ Anh ngày 17/7 cho biết nước này đã bổ sung 14 cá nhân vào danh sách trừng phạt Nga, trong đó có Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova và Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergey Kravtsov.
Anh cho hay bà Lyubimova bị đưa vào danh sách trừng phạt vì hỗ trợ thúc đẩy các chính sách và hành động "làm mất ổn định hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine."
Những người khác, trong đó có ông Kravtsov, đã bị trừng phạt vì tham gia vào cái mà Anh gọi là "chương trình ép buộc trục xuất và cải tạo trẻ em Ukraine" của Chính phủ Nga.
Trước đó, ngày 8/2, Anh thông báo áp đặt vòng trừng phạt mới "nhằm vào quân đội Nga và giới tinh hoa Điện Kremlin," bao gồm 6 thực thể cung cấp thiết bị quân sự như máy bay không người lái (UAV) cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Sau Anh, đến lượt Nhật Bản quyết định bổ sung thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga vào danh sách trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản gồm phong tỏa tài sản và cấm các công ty Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa cho Nga, nhằm vào các chính trị gia, giới chức quân đội, doanh nhân và các công ty ở Nga.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Không chỉ trừng phạt các cá nhân, các nước còn áp đặt thêm lệnh trừng phạt về kinh tế với Nga.
Ngày 19/5, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hơn 300 cá nhân và thực thể của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 69 công ty Nga, 1 công ty có trụ sở ở Armenia và 1 công ty có trụ sở ở Kyrgyzstan vào danh sách trừng phạt thương mại với lý do hỗ trợ quân đội Nga, đồng thời tạm dừng xuất khẩu hàng loạt mặt hàng tiêu dùng sang Nga.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 22 cá nhân và 104 thực thể, trong khi Bộ Ngoại giao áp đặt trừng phạt đối với gần 200 cá nhân, thực thể, tàu thuyền và máy bay.
Ngày 21/6, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine với mục đích ngăn chặn các nước thứ 3 và các doanh nghiệp "lách" các biện pháp trừng phạt hiện nay của EU. Đây là gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moskva.
Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, cho biết gói trừng phạt bao gồm các quy định cấm mọi hoạt động quá cảnh qua Nga các loại hàng hóa và công nghệ mà quân đội Nga có thể sử dụng hoặc hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Moskva.
Gói biện pháp này cho phép áp đặt các hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho các quốc gia có thể bán lại cho Nga và mở rộng danh sách các hàng hóa bị hạn chế do có thể phục vụ quân đội và lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Các biện pháp này cũng gia hạn thời gian đình chỉ cấp phép 5 cơ quan truyền thông Nga phát sóng tại châu Âu. EU cũng bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 thực thể vào danh sách có tài sản bị phong tỏa tại EU./.