Kinh tế

Chiều hướng mới của ngành cà phê Đắk Nông

Lê Dung 16/10/2023 05:44

Đắk Nông xác định cà phê là một trong những ngành hàng mũi nhọn. Do đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phát triển loại cây trồng này theo hướng chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu.

Sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận

Hiện nay, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Đắk Nông đạt khoảng 23.000 ha, sản lượng khoảng 82.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà phê có chứng nhận VietGAP là 220 ha, chứng nhận hữu cơ 90 ha, chứng nhận các tiêu chuẩn khác là 23.179,01 ha.

img_0603(1).jpg
Sản phẩm cà phê của Đắk Nông hiện đang được xuất khẩu tại gần 20 quốc gia trên thế giới

Thời gian qua, các HTX và người dân đã chủ động sản xuất cà phê vối theo hướng đặc sản, chất lượng cao, với tổng diện tích ước khoảng 225 ha. Sản lượng cà phê nhân đặc sản của tỉnh đạt 251 tấn/năm. Một số sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn đặc sản. Đây là nền tảng để phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản, giá trị cao tại một số vùng của Đắk Nông.

Diện tích cây cà phê tại Đắk Nông đạt 139.932 ha, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và 59,6% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông chiếm trên 18% cả nước, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng.

img_3869(1).jpg
Sản lượng cà phê nhân đặc sản mỗi năm của Đắk Nông đạt 251 tấn

Các địa bàn có diện tích cà phê lớn hiện nay của tỉnh là Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R’lấp và Đắk Glong. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu giống Robusta, chiếm 99% diện tích. Đắk Nông đã công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An (Đắk Mil), với diện tích trên 335 ha.

Phát triển cà phê cảnh quan

Cà phê là ngành hàng chủ lực của Đắk Nông. Dù chiếm giá trị xuất khẩu lớn, nhưng hiện nay, cà phê Đắk Nông vẫn chủ yếu được bán ở dạng thô, qua trung gian, nên giá trị gia tăng thấp. Trong khi, thị trường cà phê thế giới đang có nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam cho hay, suốt 3 thập kỷ qua, cà phê đã trở thành một trong những cây trồng có đóng góp quan trọng cho doanh thu của ngành Nông nghiệp nói riêng và cho GDP cả nước nói chung. Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác trên thế giới, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đang có tác động xấu đến chất lượng của cà phê Việt Nam, trong đó có Đắk Nông.

img_0285(1).jpg
Mô hình trồng cà phê dưới tán rừng là một hướng phát triển mới cho ngành hàng cà phê của Đắk Nông

Bên cạnh đó, ngành cà phê của Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, với sự nóng lên toàn cầu. Điều này khiến nhiều vùng trồng cà phê thiếu nước tưới, dẫn tới năng suất và chất lượng cà phê sụt giảm. “Nhìn nhận rõ những khó khăn này, Đắk Nông cần định hướng nghiên cứu và xây dựng mô hình trồng cà phê dưới tán rừng. Cách làm này còn gọi là cà phê cảnh quan. Mục đích là cho năng suất, chất lượng cà phê ổn định, bền vững”, ông Tài chia sẻ.

Cà phê cảnh quan là một mô hình trồng canh tác thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Mô hình này đã khẳng định hiệu quả và có thể nhân rộng ra toàn Tây Nguyên.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, Đắk Nông hiện đang đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng cao. Tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025 nâng diện tích cây cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn đạt 6.750 ha.

Mô hình cà phê cảnh quan được xây dựng với 3 tầng sinh thái, bao gồm: tầng cây cao gồm cây che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn; tầng trung trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chiều hướng mới của ngành cà phê Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO