Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 20/1/2024: Kho dầu Nga bốc cháy vì UAV UkraineChiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/1/2024: Ukraine thừa nhận “ngại” nhập khẩu F-16; Lực lượng Wagner quay lại chiến trườngChiến sự Nga-Ukraine ngày 22/1/2024: Nga kiểm soát ngôi làng Krokhmalne; Đức dự kiến đào tạo thêm cho quân đội Ukraine |
Thông tin chiến sự
Nga lên án vụ pháo kích vào Donetsk. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, vụ pháo kích của Ukraine vào thành phố Donetsk khiến ít nhất 27 người thiệt mạng là “hành động khủng bố”.
Ông Peskov cho biết, Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy tái diễn. Trước đó, vụ tấn công của Kiev vào khu chợ và các cửa hàng sầm uất ở thành phố Donetsk thuộc miền đông Ukraine vào ngày 21/1 đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng, và 25 người khác bị thương. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc cuộc tấn công này có sự hỗ trợ của phương Tây.
Phát ngôn viên Điện Kremlin đã lên án vụ pháo kích, và cho biết con số thương vong cao là do Kiev đã sử dụng “vũ khí bừa bãi”. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin được thông báo đầy đủ về vụ việc, và chính quyền địa phương đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết.
“Bộ Quốc phòng, lực lượng phòng không, và các cơ quan khác của Nga đang nỗ lực hết sức để bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công khủng bố”, ông Peskov nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Tình hình vô cùng căng thẳng ở hướng Siversk và Bakmhut. Tư lệnh lực lượng Lục quân Ukraine, ông Oleksandr Syrskyi cho biết: “Tình hình vẫn vô cùng căng thẳng khi chúng tôi thấy đối phương tăng cường tấn công bằng đạn pháo, súng cối và UAV, cũng như phát động các chiến dịch tấn công”.
Theo ông Oleksandr Shtupun, người phát ngôn của lực lượng Tavria (nhóm quân Ukraine hoạt động ở miền Nam), quân đội Nga đang dùng máy bay chiến đấu tích cực hơn ở hướng Avdiivka (tỉnh Donetsk).
Ông Shtupun cho biết, ban đầu, quân đội Nga di chuyển theo các đoàn xe lớn. Tuy nhiên, trước áp lực tấn công của Ukraine, Nga đã phải thay đổi chiến thuật, giảm lượng quân di chuyển theo cách là di chuyển theo từng nhóm từ 1 đến 2 xe tăng, tối đa 5 xe bọc thép chở quân hoặc xe chiến đấu bộ binh. “Ở hướng tỉnh Zaporizhia, quân Nga cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật hoặc chiếm lại các vị trí mà Nga đã để mất”.
Một số diễn biến liên quan
Mỹ nói vài tháng tới sẽ rất quan trọng đối với Ukraine. Ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tuyên bố, vài tháng tới sẽ rất quan trọng đối với Ukraine.
Nói về triển vọng Mỹ phân bổ nguồn tài trợ bổ sung để hỗ trợ Ukraine, ông Kirby lưu ý “vài tháng tới sẽ rất quan trọng đối với Ukraine”. “Nếu bạn nghĩ rằng cuộc chiến sẽ dừng lại vì tuyết rơi thì hãy nghĩ lại”.
Theo ông Kirby, quân đội Ukraine phải đưa ra “những lựa chọn khó khăn” về việc sử dụng loại vũ khí nào vì “họ không biết khi nào đợt viện trợ tiếp theo sẽ diễn ra”.
Slovakia nêu cách chấm dứt xung đột. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng, Ukraine nên nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt xung đột.
Thủ tướng Fico dự kiến hôm 24/1 sẽ tới thành phố biên giới Uzhgorod của Ukraine, và gặp người đồng cấp Ukraine Denis Shmygal. Ông Fico nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự, và phải kết thúc bằng sự thỏa hiệp, điều này có thể “gây đau đớn cho cả 2 bên”.
“Ukraine đang chờ đợi điều gì? Nga sẽ rời khỏi Donbass và Lugansk, hay họ sẽ rời khỏi bán đảo Crimea? Điều đó là không thực tế”, ông Fico nhấn mạnh.
Theo ông Fico, sự tiếp diễn của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chỉ khiến Nga ngày càng mạnh hơn. Thậm chí, ông nhấn mạnh Ukraine “không phải là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” do “hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ Mỹ”.
Ngoại trưởng EU nhất trí cần tăng cường hỗ trợ Ukraine. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU, Josep Borrell, nêu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng EU tại Brussels, Ngoại trưởng 27 nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí rằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine cần được tăng cường chứ không phải suy yếu.
“Các bộ trưởng nhất trí rằng bây giờ không phải là lúc để giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine, mà ngược lại - phải làm nhiều hơn và nhanh hơn: Về tài chính, quân sự, huấn luyện binh lính và mọi thứ mà Ukraine cần để tự bảo vệ mình”, ông Borrell nói.
Ông Borrell bày tỏ hy vọng, các nước EU sẽ sớm có thể đồng ý phân bổ 5 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận trị giá 5 tỷ euro trong khuôn khổ Quỹ Hòa bình châu Âu để thành lập một quỹ giúp đỡ Ukraine. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất với các nước thành viên để cho biết quỹ này sẽ hoạt động như thế nào”, ông Borrell cho biết.
Hungary không gửi vũ khí cho Kiev. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này sẽ không tham gia tài trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine theo Quỹ Hòa bình châu Âu, cũng như không can thiệp vào quyết định của các nước khác.
“Hungary trước đây đã không gửi vũ khí, và sau này cũng không gửi. Chúng tôi sẽ không tham gia vào bất cứ quyết định, hay tiến trình nào dẫn tới việc tăng cường cung cấp quân sự cho Ukraine. Budapest không thể, và không muốn ngăn cản các nước khác gửi vũ khí theo quyết định của họ”, ông Szijjarto chỉ ra.