Nghị quyết và cuộc sống

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến thắng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Hoàng Hoài 07/05/2024 06:00

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, để lại giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam. Trong đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch.

Triệu người cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng

Theo Tiến sĩ Lê Khắc Ghi, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết, phát huy cao độ truyền thống yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Bác Hồ đã sớm đề ra đường lối chiến tranh “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kiên trì giành thắng lợi từng bước và phải dựa vào sức mạnh nội lực. Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù lực lượng vũ trang lúc đó còn non trẻ, vũ khí trang bị thô sơ, phương tiện chiến đấu thiếu thốn, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam đều chung một ý chí quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

3.jpg
Tiến sĩ Lê Khắc Ghi, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết, phát huy cao độ truyền thống yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bằng đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu được sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước cao độ của dân tộc Việt Nam và chuyển hóa thành sức mạnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích kỹ để tìm ra phương án thích hợp nhằm huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch bảo đảm chắc thắng. Từ đó, một cuộc vận động Nhân dân chi viện Điện Biên Phủ được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng miền, giai cấp, tầng lớp trong cả nước.

ong-le-khac-ghi.png

Theo số lượng tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ, hàng trăm xe thô sơ, hàng trăm con ngựa thồ và hàng ngàn chiếc thuyền...

Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. “Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”, đồng chí Lê Khắc Ghi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hợi, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh khẳng định, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” là bài học sâu sắc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng được đúc kết từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhờ làm tốt công tác dân vận, Nhân dân khắp các vùng miền đã đóng góp lương thực, thực phẩm, phương tiện để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều nơi, do địch đánh đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào thỏa thuận giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch rồi sau ghi sổ báo lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Nhờ được đồng bào các dân tộc đùm bọc, che chở, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu mà quân ta có đủ nguồn lực để thực hiện một chiến dịch quy mô chưa từng có trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược... Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Đại đoàn kết toàn dân luôn được gìn giữ, phát huy

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hợi, 70 năm trôi qua, tinh thần và giá trị đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để khối đoàn kết toàn dân vững bền, trước hết cần phải phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, địa phương. “Các cấp ủy đảng, chính quyền phải vì lợi ích của Nhân dân, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Nhân dân”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hợi cho biết.

2.jpg
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông tổ chức đã làm rõ thêm về tinh thần đoàn kết dân tộc

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vương, giảng viên Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Trường Chính trị tỉnh cũng cho rằng, để khối đại đoàn kết được giữ vững, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mỗi cấp, ngành, địa phương lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đảng có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Từ thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường khát vọng vươn lên của dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vương nêu quan điểm.

1.jpg
Đông đảo học viên Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông tham dự Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”

Thạc sĩ Lê Thị Thảo, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nổi bật là việc phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”. Trong chiến dịch này, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của cả nước tham gia kháng chiến bằng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân và đem lại quyền lợi thiết thực cho Nhân dân. Để tinh thần đại đoàn kết toàn dân được phát huy, việc đầu tiên là phải nhất quán tư tưởng lấy dân làm gốc, xác định đại đoàn kết toàn dân, tăng cường thế trận lòng dân là một chiến lược xuyên suốt, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Trong đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, tôn giáo, tri thức… vào trong một khối liên minh thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữ vững được lòng dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương chăm lo tốt hơn nữa đời sống của dân. Mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đều phải hướng đến người dân, thực sự là của dân, do dân và vì dân", Thạc sĩ Lê Thị Thảo chia sẻ.

5.jpg
Đồng chí Tăng Hồng Tín, Trưởng phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, để phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải đoàn kết trong đảng, làm gương cho quần chúng noi theo

Đồng chí Tăng Hồng Tín, Trưởng phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, để phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường đoàn kết trong Đảng, làm gương cho quần chúng noi theo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần bản lĩnh, dám đương đầu vượt qua khó khăn, thử thách, cám dỗ, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân để tập hợp, huy động và phát huy được sức mạnh của Nhân dân.

“Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ cần nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước để chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu trong đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc về lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là về Chiến dịch Điên Biên Phủ”, đồng chí Tăng Hồng Tín cho biết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến thắng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO