Trang phục truyền thống của nam giới người M’nông |
Từ thời xa xưa, người M’nông đã biết chọn vỏ cây làm trang phục để che đậy, bảo hộ cơ thể, chống lại giá rét và đắp lên thân mình. Nguyên liệu làm trang phục từ những loại cây có sẵn trong rừng như cây bril, cây r’ban..., dùng vỏ để chế tác. Vỏ cây được bóc thành từng tấm, có kích thước tùy ý của từng cây, sau đó dùng đá cuội hoặc dùng bàn đập bằng gỗ, đập dập đem ngâm nước cho rã hết phần lõi, chỉ còn lại xơ mang phơi khô, sau đó tước thành sợi nhỏ đưa vào khung dệt.
Trước kia, khố vỏ cây được dệt đơn giản và thường thô ráp, phần lớn để trơn (màu sợi), chỉ trang trí hai đường chỉ màu trắng, đỏ kết hợp với màu nền ở hai bên mép dọc theo thân khố, hai đầu để thừa sợi tạo thành tua một cách tự nhiên và không như khố dệt bằng sợi bông. Sau này, người M’nông đã biết lấy chất liệu bông để chế biến thành sợi và dệt thành vải. Cho nên khố mới được trau chuốt, thêm thắt bởi sợi bông với các màu sắc khác nhau cùng với các họa tiết, hoa văn để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn. Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian. Đầu tiên phải là khâu chuẩn bị các nguyên liệu như sợi bông, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, củ chàm…
Theo quan niệm của dân tộc M’nông, nền vải màu đen là đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó; màu đỏ biểu tượng sự đam mê, cho sự vươn lên, cho những khát vọng, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, là kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. |
Nguyên liệu chính dùng dệt thổ cẩm của người M’nông là bông. Khung dệt thổ cẩm của người M’nông được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn. Để tạo các hoa văn, người dệt sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí được lựa chọn, rồi trong quá trình dệt những sợi chỉ ngang dải hoa văn trên áo, váy, khố thường gần gũi với thiên nhiên, phản ảnh các sinh hoạt đời sống thường ngày của người M’nông. Đó là những dãy núi, nước sông lượn chảy, mưa rơi, hình con cá, hình lượn sóng, lá dứa, tổ ong, trái trám, rau dớng, chiêng, ché, ngà voi… được cách điệu.
Dưới đôi bàn tay uyển chuyển của người phụ nữ, những họa tiết đều mang tính cách điệu cao và thường thể hiện bằng các hoa văn khá đặc trưng với nhiều màu sắc. Để tạo ra những bộ trang phục sau khi dệt bền, đẹp hơn và có màu sắc khác biệt rõ nét của người M’nông, khố được dệt và hình thành với thời gian khác nhau, thường thì người ta dệt vào những lúc rảnh rỗi hay những ngày nông nhàn. Những chiếc khố được dệt nhanh và liên tục thì thời gian khoảng 1 tháng và đôi khi đến vài ba tháng tùy vào độ tinh xảo của chiếc khố.
Nam giới người M’nông sử dụng 3 loại khố truyền thống gồm: Khố trắng, khố đen, khố hoa. Trong đó, khố trắng có 2 loại là khố dệt bằng sợi vỏ cây (troi djăr) và khố dệt bằng chỉ trắng (troi bok), chiếc khố này dài từ một đến hai vòng lưng, người nghèo họ thường quấn khố này.
Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi, chiếc khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng, người bình thường họ quấn loại khố này. Khố hoa được dệt bằng chỉ đen (troi nhong), hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm, dài từ 5 đến 7 vòng lưng chỉ những người giàu sang có địa vị mới quấn loại khố này. Khi chủ nhân quấn chiếc khố này khi đi dự lễ hội trong bon thì được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ, nở mặt nở mày cho vợ con. Người đàn ông nào mà quấn khố hoa, thiên hạ ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm.
Ngày nay, trang phục truyền thống nói chung và khố nói riêng của người M’nông không được sử dụng thường xuyên như trước. Để không bị mai một và tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp hơn thì cần có cách bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống tốt nhất và thực sự thành một nhu cầu chính trong cuộc sống của họ.