Đời sống

“Chìa khóa” giúp người dân Đắk Nông thoát nghèo

Thanh Hằng 03/09/2023 05:00

Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, tinh thần và ý thức vươn lên chính là “chìa khóa” để người dân thoát nghèo.

Thực tế giảm nghèo từ Tuy Đức

Năm 2013, cùng với một số hộ khác ở bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức), gia đình ông Điểu Đắk được hỗ trợ 300 cây giống mắc ca. Sau 5 năm trồng, vườn cây đã cho thu hoạch ổn định, nhờ đó mà gia đình có thêm điều kiện mở rộng diện tích lên hơn 1 ha.

Theo đánh giá của ông Điểu Đắk, cây mắc ca đã giúp gia đình ông và nhiều hộ khác ở trong bon thoát nghèo. Dù đây không phải là cây bản địa nhưng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân địa phương. Đặc biệt, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông cùng với các hộ dân đã biết chăm sóc, đầu tư bài bản, biến mắc ca thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu chính cho gia đình.

dieu-dak(1).jpg
Theo đánh giá của ông Điểu Đắk, cây mắc ca đã giúp gia đình ông và nhiều hộ khác ở trong bon thoát nghèo.

Ông Điểu Đắk chia sẻ: “Trước đây bà con trồng cây công nghiệp nhưng hiệu quả thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ ngày trồng mắc ca, bà con đã biết học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, bảo ban nhau làm ăn. Hiện nay kinh tế nhiều gia đình đã tốt hơn. Nhờ cây mắc ca mà chúng tôi đã mua sắm được xe máy, con cháu được đi học đầy đủ”.

Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo được huyện Tuy Đức triển khai trên nhiều phương diện. Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, huyện biên giới Tuy Đức đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh của địa phương, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, toàn huyện có 273 ha đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

bai-2.9_phat-ngon-tuy-duc(1).jpg

Cùng với đó, đến nay có hơn 3.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Tuy Đức được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ trên 149 tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực hiệu quả, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của Tuy Đức.

Xóa bỏ tâm lý an phận

Đầu năm 2023, gia đình anh Điểu K’rích, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa) chuyển về sống trong căn nhà mới rộng gần 200m2, trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng. Ít ai biết rằng, chủ nhân căn nhà được coi là khang trang nhất bon Đắk R’moan này từng thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào tiền làm thuê.

Anh Điểu K’rích chia sẻ, khi mới lấy nhau, vợ chồng anh chỉ được cho một ít đất nên đời sống rất khó khăn. Năm 2004, gia đình anh được hỗ trợ một căn nhà gỗ từ chương trình 134 của Chính phủ. Đây là tài sản đầu tiên của vợ chồng anh K’rích, cũng là động lực mạnh mẽ để vợ chồng anh cố gắng làm ăn có được thành quả như ngày hôm nay.

Theo anh K’rích, thời gian qua nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là từ các nguồn vốn vay ưu đãi, người dân bon Đắk R’moan đã có thêm điều kiện, cơ hội để thoát nghèo. Đặc biệt, tận dụng từ sự hỗ trợ, người dân tập trung đầu tư vào sản xuất, cho con cái đi học từ đó giúp nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Chỉ về 3 căn nhà liền kề, anh K’rích cho biết thêm, 4 năm sau được hỗ trợ căn nhà 134, năm 2008, anh xây được một căn nhà khác rộng 100m2 với trị giá 120 triệu đồng. Cuối năm 2022, vợ chồng anh quyết định xây căn nhà mới hiện nay để con cháu có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt tiện nghi hơn. Mặc dù căn nhà khang trang, rộng rãi nhưng anh vẫn giữ lại 2 căn nhà cũ, vừa làm kỷ niệm, vừa nhắc nhở con cháu luôn cố gắng vươn lên làm ăn.

thoat-ngheo-1(1).jpg
Anh Điểu K’rích từng thuộc hộ nghèo của xã Đắk R'moan, hiện trở thành một trong những hộ dân có điều kiện khá giả nhất xã.

Anh Điểu K’rich hãnh diện nói: “Khi mà gia đình không còn phải chạy ăn từng bữa thì vợ chồng chúng tôi đều động viên cho các con đến trường. Hiện nay cả 3 cháu nhà tôi đều học xong bậc THPT, trong đó có một cháu tốt nghiệp Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông. Tôi mừng vì các con, các cháu đều cố gắng, nỗ lực, luôn lấy bố mẹ là tấm gương thoát nghèo để phấn đấu, vươn lên”.

Vẫn còn những rào cản

Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp cho các xã khó khăn của huyện Tuy Đức có điều kiện phát triển. 5 năm qua, số hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 10,21%/năm, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 13,34%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Tuy Đức vẫn còn 4.624 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,78% - là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 19,50% (tương đương với giảm 1.650 hộ nghèo), huyện Tuy Đức sẽ còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt phía trước.

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho rằng, với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân nói chung, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu vốn đầu tư, khả năng phát triển sản xuất hạn chế, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa bền vững.

Ông Phú nhìn nhận, trong công tác giảm nghèo thì ý thức thoát nghèo, nghị lực vươn lên của mỗi hộ nghèo chính là điều quan trọng và mang tính quyết định nhất. Chính vì thế, chính quyền các cấp huyện Tuy Đức tiếp tục chú trọng tới việc thay đổi nhận thức, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một số người dân, cùng với đó là phát huy tinh thần, ý thức giúp đỡ nhau để thoát nghèo.

bai-2.9_phat-ngon-ong-thuan-1.jpg

Cũng giống như Tuy Đức, với nhiều giải pháp đang được triển khai, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác giảm nghèo tại huyện Đắk Glong đạt được mục tiêu nhất định.

Tuy nhiên, huyện Đắk Glong hiện là một trong số các địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong, trong 2 năm 2022-2023, trên địa bàn xã Đắk Som, Đắk P’lao, Quảng Khê vẫn “nợ” hàng chục căn nhà của người dân từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính là do vướng quy hoạch.

Một vấn đề khác cũng được xem là “rào cản” trong công tác giảm nghèo của huyện Đắk Glong, đó chính là việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi vào sản xuất, nhất là ở vùng DTTS.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 12, khóa XII vừa qua, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho rằng hiện nay khi vay vốn, một số hộ gia đình chưa sử dụng hiệu quả, thậm chí có trường hợp hộ nghèo “ngại” tiếp cận nguồn vốn vay.

“Hiện nay, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng để làm ăn. Số tiền này thực sự rất ít để đầu tư sản xuất với mục tiêu thoát nghèo. Chính vì thế, địa phương kiến nghị các cấp, ngành nghiên cứu, có sự điều chỉnh số tiền cho vay hoặc có thêm biện pháp để hỗ trợ các hộ nghèo khi vay vốn làm ăn”, ông Trần Nam Thuần cho hay.

bai-2.9_phat-ngon-giam-ngheo.jpg
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        “Chìa khóa” giúp người dân Đắk Nông thoát nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO