Đời sống

"Chìa khóa" giúp anh Đỗ Đức Mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Thanh Hằng 24/08/2023 05:00

Sau khi hoàn thành học Lớp sơ cấp nghề Trồng trọt và áp dụng vào sản xuất, gia đình anh Đỗ Đức Mạnh, thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã thu được những thành quả đầu tiên.

ADQuảng cáo

Học nghề để sản xuất hiệu quả

Vườn sầu riêng và bơ rộng hơn 2,5 ha của gia đình anh Đỗ Đức Mạnh đang bước vào mùa thu hoạch. Khác với nhiều vườn cây trong vùng, anh Mạnh không bán xô cả vườn mà chỉ thu hoạch trái già để bán thành từng đợt. Việc này giúp cây trồng được phát triển bình thường, đồng thời bảo đảm chất lượng tốt nhất cho trái khi đến tay người tiêu dùng.

7 năm trước, gia đình anh Mạnh từ TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) tới xã Quảng Khê để trồng cây ăn trái. Thời gian đầu, việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không ổn định, thậm chí có năm không có lợi nhuận vì dịch bệnh và thời tiết xấu.

Tình hình khả quan hơn khi anh Mạnh tự nghiên cứu, tìm tòi nhiều tài liệu về chăm sóc cây trồng, đặc biệt được tham gia lớp sơ cấp nghề Trồng trọt do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) huyện Đắk Glong tổ chức.

hinh-anh-manh-1(1).jpg
Với giá bán hiện tại, gia đình anh Mạnh có thể thu được khoảng 700 - 800 triệu đồng từ sầu riêng.

Ngoài kỹ thuật chăm sóc cây, trong thời gian học, anh Mạnh được tiếp cận với phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từ đó áp dụng ngay vào vườn của gia đình, giúp cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Mạnh nhớ lại: “Năm 2022, huyện Đắk Glong tổ chức dạy nghề trồng trọt, dù không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, thế nhưng nhận thấy lớp học rất thiết thực nên vợ chồng tôi đăng ký tham gia. Lớp học đều là nông dân, được các thầy cô chia sẻ kiến thức về nông nghiệp nên học viên rất hào hứng tiếp nhận kiến thức”.

Giới thiệu về vườn sầu riêng sai trĩu quả, anh Mạnh nói thêm, thông qua các buổi học trên lớp, kết hợp với học thực tế tại vườn, anh Mạnh nhận ra rằng, để sản xuất hiệu quả thì nông dân phải nắm rõ quy trình sinh trưởng của cây để từ đó có biện pháp cải tạo đất và bón phân hợp lý.

ADQuảng cáo

“Năm ngoái, với diện tích này, tôi thu hoạch được khoảng 6 tấn sầu riêng. Năm nay dù ảnh hưởng của thời tiết nhưng sản lượng vẫn cao hơn năm trước, đạt khoảng 10 tấn. Với giá bán hiện tại, gia đình tôi có thể thu được khoảng 700 - 800 triệu đồng từ sầu riêng”, anh Mạnh phấn khởi nói.

Cơ hội để nông dân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm

Trong lúc anh Mạnh dẫn khách đi tham quan, vợ của anh là chị Bùi Thị Oanh tranh thủ cắt dọn vườn cây ăn trái. Từ khi học nghề, chị Oanh hạn chế sử dụng hóa chất diệt cỏ, thay vào đó là dùng máy cắt, từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Chị Oanh cho biết, kiến thức từ lớp học nghề đã giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kinh tế gia đình. Chính vì thế, tháng 7 vừa qua, khi biết Trung tâm GDNN&GDTX huyện Đắk Glong mở Lớp Chăn nuôi, vợ chồng chị Oanh tiếp tục “xin” theo học.

Sau khi học nghề, gia đình chị Oanh dự kiến nuôi thêm heo rừng lai theo hướng chăn thả tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn.

hinh-anh-manh-2(1).jpg
Vợ chồng anh Mạnh cho biết, kiến thức học nghề sơ cấp trồng trọt đã mang lại hiệu quả khi áp dụng vào vườn cây ăn trái của gia đình.

Chia sẻ về chuyện học nghề, chị Oanh cho hay: “Thời gian trước đây, vợ chồng tôi thường tự tìm hiểu trên mạng, nhưng đi học thực tế thì trực quan, dễ hiểu hơn. Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều lớp học nghề để bà con nông dân được đi học, tiếp cận với kiến thức sản xuất mới”.

Theo lãnh đạo Trung tâm GDNN&GDTX huyện Đắk Glong, từ đầu năm 2023 tới nay, đơn vị đã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho lao động địa phương.

Đối với học viên là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, khi theo học các học viên được hỗ trợ kinh phí. Những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ, người lao động có thể đăng ký, trung tâm tạo điều kiện để tham gia lớp, từ đó bổ sung kiến thức cho việc sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chìa khóa" giúp anh Đỗ Đức Mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO