Vào cuộc kịp thời
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Huyện ủy Cư Jút đã vào cuộc lãnh đạo triển khai kịp thời.
Trên tinh thần nội dung của Chỉ thị, hằng năm, Huyện ủy ban hành công văn để quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị. Đơn cử như Công văn 1180-CV/HU năm 2016 về triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Trên tinh thần chủ trương của Huyện ủy, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn vào cuộc kịp thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn.
Người dân xã Đắk Wil được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế |
Việc phối hợp với NHCSXH trong thực hiện tín dụng ưu đãi cũng được các cấp chú trọng. MTTQVN huyện Cư Jút, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội cũng vào cuộc kiểm tra, giám sát.
"Bình quân mỗi năm, Cư Jút ủy thác từ 2 - 2,5 tỷ đồng qua NHCSXH. Các hộ nghèo, gia đình chính sách vì thế có thêm cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Tuấn Phúc, Bí thư Huyện ủy Cư Jút cho biết.
Tính đến 30/6/2022, nguồn vốn ủy thác của Cư Jút tại NHCSXH là 12,6 tỷ đồng, với hơn 350 hộ được vay vốn. So với năm 2014, nguồn vốn ủy thác tăng 12,4 tỷ đồng và tăng 310 hộ vay. |
Chuyển biến tại cơ sở
Gia đình bà Lê Thị Lành, thôn 3, xã Tâm Thắng (Cư Jút), nhiều năm liền thuộc diện nghèo. Năm 2017, bà được vay 50 triệu đồng của NHCSXH từ chương trình cho vay hộ nghèo.
Có nguồn vốn, bà đã đầu tư mua dê về nuôi và phát triển đàn. Quá trình chăn nuôi thuận lợi, đàn dê phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, mỗi năm bà xuất bán 3 lứa dê, sau khi trừ chi phí, thu về gần 100 triệu đồng. Nhờ thế, gia đình bà thoát nghèo.
Theo ông Trần Thế Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, toàn xã có 1.920 hộ dân được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ hơn 67 tỷ đồng. Trong đó, có trên 40 hộ được vay vốn từ nguồn ủy thác của ngân sách huyện, với dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng.
Nguồn vốn ưu đãi đang giúp người dân đầu tư vào các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả khá cao |
Có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các chi bộ, ban tự quản thôn, buôn, bon tăng cường công tác lãnh đạo, giám sát các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Từ khâu bình xét, cho vay, sử dụng vốn vay đều bảo đảm đúng đối tượng.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Jút Nguyễn Tuấn Phúc, tín dụng ưu đãi là một nguồn lực rất quan trọng, hỗ trợ địa phương trong quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm theo từng năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 7,47% theo tiêu chí mới.
Thời gian tới, Cư Jút sẽ tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Huyện tiếp tục quán triệt, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đưa công tác tín dụng chính sách vào chương trình công tác và nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị.
"Ban Thường vụ cấp ủy sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của MTTQVN huyện, các tổ chức chính trị, xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn”, ông Phúc cho biết thêm.