Chỉ thị 09: Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 21/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 09/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chỉ thị 09: Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tại Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu yêu cầu Bộ Tài chính Khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp - Luật số 69/2014/QH13); trong đó lưu ý về vấn đề phân cấp phân quyền, công tác cán bộ, chính sách tiền lương, tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp... theo tinh thần là xem xét, đánh giá hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro; giao mục tiêu, không cầm tay chỉ việc, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát huy trí tuệ, năng động, tạo không gian cho doanh nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật; trường hợp sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật; trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Phó Thủ tướng cho biết dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm thiết kế luật quản lý theo "dòng tiền", tăng cường phân cấp, phân quyền; Luật sửa đổi phải kế thừa những nội dung có giá trị trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. - Về bố cục, Luật phải đảm bảo dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ thực hiện. - Về nội dung, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Luật sửa đổi phải đảm bảo nguyên tắc "chỗ nào có vốn nhà nước thì chỗ đó phải quản lý. Vấn đề là có hình thức quản lý phù hợp để vừa quản lý hiệu quả, vừa kiến tạo phát triển". - Về khái niệm, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khái niệm ngân sách nhà nước. - Về đối tượng quản lý, Phó Thủ tướng cho rằng, chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ quản lý đến doanh nghiệp F1. Từ F2 trở xuống giao cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quản lý, để vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy sự sáng tạo, chủ động. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến quy định về phân quyền quyết định chỉ tiêu, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh; trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ; trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu; trách nhiệm hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành… |
Xem thêm Chỉ thị 09/CT-TTg ban hành ngày 21/3/2025.