Chỉ mặt lãng phí
Thực tế cho thấy lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng. Nó đã kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Trong bài nói chuyện với cán bộ quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về sự nghiêm trọng của lãng phí: "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô".
Thực tế cho thấy lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng. Nó đã kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rất rõ khi so sánh với Trung Quốc.
Điểm số về cảm nhận tham nhũng Việt Nam và Trung Quốc, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, lần lượt là 27,9 và 28,8 vào năm 1997 (năm có kết quả xa nhất), 41 và 42 vào năm 2023. Hai nước tương đương nhau, ít nhất là ở thời điểm bắt đầu cải cách và hiện nay.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong giai đoạn 1985 - 2023, GDP thực của Trung Quốc tăng 24,9 lần hay 8,8%/năm, trong khi Việt Nam chỉ là 10,6 lần hay 6,4%/năm.
GDP/người của hai nước xấp xỉ nhau vào năm 1985, nhưng đến năm 2023 Trung Quốc gấp ba lần Việt Nam và họ đang tiệm cận ngưỡng nước thu nhập cao.
Tăng trưởng kinh tế là thước đo cho việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hay nhìn ở chiều ngược lại là mức độ lãng phí. GDP theo giá hiện hành của Việt Nam năm 2023 là 430 tỉ đô la.
Nếu ít lãng phí hơn để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế ngang bằng với Trung Quốc thì GDP của Việt Nam đã ở ngưỡng 1.000 tỉ đô la.
Trong gần bốn thập niên Đổi mới, lãng phí đã làm Việt Nam mất nhiều nghìn tỉ đô la. Nếu không có vấn nạn lãng phí thì chúng ta đã đàng hoàng hơn và to đẹp hơn rất nhiều.
Tổng Bí thư đã chỉ ra 6 loại lãng phí mà chúng ta có thể thấy gần như khắp mọi nơi. Hiển hiện và nghiêm trọng nhất có lẽ là tính phong trào trong việc ban hành chính sách và thử nghiệm các vấn đề mới. Cơ chế xin - cho chính sách tràn lan, thiếu trọng tâm trọng điểm.
Những nơi thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã biết chắt lọc kinh nghiệm từ bên ngoài, thử nghiệm có trọng tâm trọng điểm ở các đô thị - những nơi có lợi thế và tiềm năng phát triển. Mô hình chỉ được nhân rộng sau khi có kết quả và các bài học được rút ra.
Trái lại, ở Việt Nam, khi một nơi nào đó được trung ương cho thử nghiệm cơ chế mới thì gần như ngay lập tức nhiều nơi khác xin và cũng có được. Hệ quả của nó là một nền kinh tế phong trào, phát triển theo mô hình quả mít rất kém hiệu quả.
Nhiều phong trào như vậy đã để lại hậu quả. Nghiêm trọng nhất có lẽ là phong trào phát triển đô thị gắn với sử dụng đất đai tràn lan.
Cả nước đang có nhiều trăm nghìn hecta đất có sẵn hạ tầng ở các trung tâm đô thị (đất vàng) chưa được sử dụng. Tuy nhiên hàng triệu hecta đất vẫn đang tiếp tục được quy hoạch để rồi bỏ không.
Địa phương nào cũng muốn phát triển thêm và nâng cấp đô thị. Các thành phố trực thuộc trung ương thì đang chạy theo mô hình thành phố trong thành phố.
Tính phong trào, bệnh thành tích cùng những bất cập của công tác quy hoạch, chính sách và hoạt động không lành mạnh của thị trường bất động sản đã gây ra vấn đề này.
Để giải quyết bài toán lãng phí, Việt Nam không cần phát minh lại cái bánh xe mà chỉ cần áp dụng những bài học thành công và tránh vết xe đổ của những nơi khác. Tập trung trí tuệ và nguồn lực làm bằng được những đột phá chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn để tạo ra các xung lực tăng trưởng mới.
Nếu Việt Nam có thể đưa hàng triệu hecta đất có hạ tầng vào sử dụng, làm bằng được những hạ tầng thiết yếu thì GDP sẽ có thêm nhiều trăm tỉ đô la. Khi đó mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 là khả thi.
Điều Việt Nam đang cần là đột phá với những mô hình thành công chứ không phải là cơ chế đặc thù mang nặng tính xin cho và cả nể theo kiểu "anh có, tôi cũng phải có".