Gần 2 năm nay, thông qua UBND xã, chị Phương đều dành khoảng 10 triệu đồng để mua quà tặng người nghèo, người tàn tật và các trường hợp bị nhiễm chất độc da cam. Dịp tết cổ truyền, chị trao 13 suất quà cho những người già neo đơn, gia đình nghèo khó trên địa bàn xã, trị giá mỗi suất là 200.000 đồng, gồm gạo, đường, bột ngọt, nước mắm và bánh kẹo.
Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, chị cũng trao 10 suất quà cho các đối tượng bị nhiễm hoặc nghi nhiễm chất độc da cam với trị giá 200.000 đồng. Bên cạnh tặng quà tại UBND xã, chị thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà nhiều gia đình trong thôn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà trị giá 400.000 đồng.
Chị Phương còn cho những người nghèo vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ được vay vốn của chị mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nghĩa Thắng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, phát triển trồng trọt và từng bước thoát nghèo.
Điển hình như gia đình anh Lê Minh Thuyết, được chị cho vay 23 triệu đồng. Từ số vốn này và sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Thuyết mua được 2 con bò giống. Sau hơn 2 năm chăm sóc, bò của gia đình anh đã sinh được 1 con và đang chuẩn bị có thêm con thứ 2.
Từ số vốn chị Phương cho vay không tính lãi, gia đình anh Thuyết đã mua được bò giống để phát triển chăn nuôi |
Anh Thuyết cho hay: “Nếu không có sự giúp đỡ của chị Phương thì gia đình tôi không thể mua bò và phát triển chăn nuôi như ngày hôm nay. Chính nhờ sự giúp đỡ ấy, gia đình tôi có điều kiện làm kinh tế gia đình, lo cho con ăn học”.
Ngoài gia đình anh Thuyết, chị Phương còn cho 8 hộ gia đình trong thôn vay vốn không tính lãi, với tổng số tiền trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Vạn, Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Nghĩa Thắng nói: “Những việc làm của chị Phương đã giúp cho một số hộ nghèo có lối thoát để vươn lên làm giàu. Những món quà do chị tặng đã động viên khích lệ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Sự chia sẻ của chị thể hiện tinh thần nhân đạo rất cao, là tấm gương để nhiều người làm theo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tinh thần tương thân tương ái trên địa bàn xã”.
Với chị Phương thì việc giúp đỡ người khác là xuất phát từ ý thức của bản thân. Gia đình chị cũng làm nông nghiệp, còn vất vả nhưng luôn muốn san sẻ phần nào với những hoàn cảnh khó khăn. Chị Phương cho biết: “Chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương, những nỗi đau, sự bất hạnh của nhiều người nên tôi muốn san sẻ phần nào. Tiền tôi ủng hộ làm nhà, tặng quà hay hỗ trợ vay vốn là số tiền tiết kiệm, tích lũy từ sản xuất của gia đình”.