Ché trong đời sống đồng bào Ê đê, M'nông, Mạ
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ngoài cồng chiêng thì ché đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Ché không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật dụng dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là sính lễ trong cưới hỏi và là vật biểu trưng cho sự giàu có, đẳng cấp, địa vị của mỗi gia đình.
Ché thường có dáng miệng ve tròn, thân phình lớn và thon dần về đáy, được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men hoặc để mộc. Người M’nông gọi ché là Yăng, người Ê đê gọi là Chéh, người Mạ gọi là Đrắp và Jăng. Đối với người M’nông, Ê đê, Mạ, ché có nhiều loại và mỗi chiếc lại có tên gọi riêng. Cách gọi tên của ché có thể theo màu sắc, hoa văn, kiểu dáng, hay những con vật được trang trí trên thân ché. Những chiếc ché quý có khi lại được gọi tên theo chủ hay tên một dòng họ, một sự kiện liên quan…
Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, ché của người Ê đê cũng có những ý nghĩa khác nhau. Nó là vật thiêng nên khi mới rước ché về thì đồng bào thường làm lễ cúng. Gia đình ông Y’Bin ÊBan ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được bà con ca ngợi là giàu có và quyền lực nhất buôn. Bởi ở đây chỉ còn gia đình ông gìn giữ được những chiếc ché cổ hàng trăm tuổi. Những chiếc ché này gia đình ông đang dùng để ủ rượu cần nhằm sử dụng trong các nghi lễ trong năm của người Ê đê. Nó là tài sản quý, được gia đình ông nâng niu, cất giữ và bảo quản rất cẩn thận.
Ông Y’Bin ÊBan cho biết: Người Ê đê không tự đúc được ché. Ché này gia đình mua ở bên Lào, chứ bên Việt Nam mình không có. Ché này là những chiếc ché cổ chứ không phải là ché mới như bây giờ người ta bày bán ở chợ. Ngày xưa ông bà, cha mẹ đổi bằng trâu mới có được, ché này giá trị lắm nên rất quý. Nhà nào có nhiều chiêng, ché thì được xem là gia đình giàu có. Trong buôn rất ít gia đình còn giữ gìn ché, cuộc sống bây giờ hiện đại rồi nên không nhiều gia đình không còn nấu rượu cần và không còn giữ nhiều ché nữa.
Với người Ê đê trọn một vòng đời người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi về với tổ tiên đều gắn liền với chiếc ché. Khi còn sống, ché gắn bó mật thiết với con người qua các sinh hoạt lễ hội, lễ nghi, cúng tế thần linh, vật gia truyền trong gia đình, là tài sản quý dùng làm của hồi môn cho con trai đi lấy vợ, con gái đi "bắt" chồng. Khi chủ nhân chết đi thì ché cũng được “chia của” theo người về với cõi vĩnh hằng.
Bởi vậy, giá trị của ché không chỉ được mặc định chỉ bởi mức quy đổi bằng vật ngang giá cao, tính bằng nhiều trâu hoặc các tài sản quý khác mà chính là tính linh thiêng của nó. Người Ê đê vừa coi ché như một thành viên trong gia đình, được chia sẻ mọi buồn vui, chứng dám những sự việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi cá nhân hay gia đình hoặc cả cộng đồng. Hơn thế nữa, nó được coi là nơi trú ngụ của thần linh, và là vật linh thiêng, là lễ vật cúng thần linh. Những người già, trụ cột gia đình luôn tự hào mỗi khi kể cho con cháu nghe về vật thiêng này. Họ cũng luôn nhắc nhở con cháu, thế hệ mai sau phải biết gìn giữ, yêu quý báu vật của cha ông để lại.
Các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người M’nông nói riêng, cả cuộc đời gắn liền với rượu cần, cơm gạo có thể thiếu nhưng rượu cần thì không bao giờ ngừng chảy. Bà con dùng những ché rượu ngon nhất cho những nghi lễ ở cộng đồng, ở gia đình. Bởi vậy mà những chiếc ché luôn góp mặt trong mọi nghi lễ của đồng bào M’nông.
Tại bon Bu P’Râng, xã Đắk ND’rung, huyện Đắk Song, hiện còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của người M’nông. Người dân trong bon vẫn làm các nghề thủ công truyền thống, vẫn gìn giữ phong tục, tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực…
Trong ngôi nhà của mình, chị Thị Mai dành nơi trang trọng nhất để trưng bày, cất giữ những chiếc ché quý giá của cha ông để lại. Những chiếc ché ở nhà chị Thị Mai có nhiều màu sắc, hoa văn, kiểu dáng, hay những con vật được trang trí trên thân ché nhìn rất đẹp mắt. Đối với người M’nông, ché có nhiều loại và mỗi chiếc lại có tên gọi riêng.
Chị Thị Mai cho biết: Ché của người M'nông có nhiều loại. Ché cổ nhất đến mấy chục đời. Một số loại ché quý như là ché Rlung, ché Gri bok but, ché Bo, ché Suh ntang keh và ché Yăng brah huêng... Ngày xưa ông bà mình phải đổi rất nhiều trâu, bò mới có được nó.
Một số hoa văn phổ biến là hình con rồng, biểu tượng cho ước mơ bay lên như rồng, cuộc sống ngày càng sung túc, ấm no; hoa văn hình cây cỏ biểu tượng cho đời sống gắn với nương rẫy, núi rừng của người M’nông, cũng có một số loại hoa văn không có ý nghĩa gì, chỉ để trang trí cho đẹp mắt.
Chị Thị Mai kể, khi cha mẹ còn sống, họ thường tặng con cháu những chiếc ché quý và thường xuyên ủ rượu cần đầy trong ché để cha mẹ lúc nào cũng có rượu uống. Những chiếc ché quý giá như vậy được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành linh vật thiêng liêng, gắn bó, gần gũi với mỗi tộc họ, gia đình. Vì vậy, những vật này như là đứa con tinh thần của các gia đình M’nông, ngày ngày được ngắm chúng, lau chùi là niềm hạnh phúc của họ.
Ché càng để lâu càng quý giá. Giá trị của nó không nằm ở tiền bạc, vật chất mà giá trị tinh thần, về những điều ý nghĩa mà nó mang đến cho gia đình, cho cộng đồng. Bởi vậy, nhà nào còn giữ được ché cổ thì bà con trong bon rất quý trọng, kính nể. Khi bon làng có việc trọng đại thì mọi người lại đến mượn ché cổ, ché quý để thực hiện một số nghi lễ quan trọng.
Ngày nay, ché không còn là vật trao đổi hàng hóa như trước. Ché cổ ngày càng trở nên hiếm hơn, đồng bào muốn mua cũng không có. Cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào các bon làng nhưng ché vẫn chiếm vị trí quan trọng trong từng gia đình và cộng đồng của các tộc bản địa ở Đắk Nông. Bất cứ lễ hội nào của đồng bào vẫn không thể thiếu vắng những ché rượu cần. Đặc biệt, tại các điểm du lịch, thậm chí trong các ngôi nhà hiện đại… những chiếc ché cổ được xem là đồ trang trí quý giá. Chính vì lẽ đó mà ché đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
Tại nhà trưng bày ở bon N’Jriêng, bon làng của người Mạ ở xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa. Đây là nơi trưng bày các hiện vật của dân tộc Mạ ở Đắk Nông. Các loại ché của người Mạ cũng được trưng bày ở đây để giới thiệu với du khách xa gần về một nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Bà H’ Giang, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, là một người con của dân tộc Mạ sinh sống ở đây nên từ khi sinh ra cho đến bây giờ bà cũng đã được nghe ông bà, cha mẹ kể rất nhiều về những chiếc ché của dân tộc, trong đó có chiếc ché thiêng có trong sử thi của người Mạ. Khi lớn lên bà càng hiểu về ý nghĩa, vai trò của ché trong đời sống người Mạ khi thấy chúng có mặt trong các nghi lễ cưới hỏi, lễ mừng lúa mới. Bây giờ, những chiếc ché cổ không còn nhiều nữa nên những người già ở đây cũng thường dạy bảo con cháu về nét đẹp văn hóa, về giá trị của ché cho con cháu được biết.
Bà H’Giang cho biết: Những chiếc ché này được bà con trong các bon trong xã Đắk Nia mua từ ngày xưa. Xưa ông bà đổi bằng trâu, bò, lợn và lúa chứ không mua bằng tiền. Bây giờ, nhà nào còn giữ thì đem tới đây để trưng bày để nhiều người biết tới và để con cháu nhìn thấy. Từ đó, biết gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Từ trong suy nghĩ của người Mạ, những gì tinh túy, là giá trị thì vật chứa đựng cũng phải là vật thiêng và cũng rất quý giá. Về kiểu dáng, hình thức thì ché của người Mạ cũng có nhiều nét giống ché của người Ê đê, M’nông. Nó cũng có nhiều loại và mỗi loại lại có tên gọi khác nhau. Mỗi chiếc ché đều có ý nghĩa riêng của nó, thể hiện những nét văn hóa dân gian cùng những tín ngưỡng của đồng bào.
Ché là vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng của người Mạ nên được cất giữ rất cẩn thận. Bây giờ, cuộc sống hiện đại rồi nhưng cũng không có vật dụng nào có thể thay thế được ché trong đời sống của người Mạ. Những người lớn tuổi chỉ mong sao con cháu người Mạ sau này biết yêu quý những báu vật này của dân tộc.
Thông qua các lễ nghi, với sự hiện diện của ché, đồng bào Ê đê, M’nông và Mạ gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các vị thần che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, bắp, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, ché mang những gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật. Đây chính là cội nguồn sức mạnh để đồng bào lạc quan, tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào tương lai. Những ước mong ấy được gửi gắm vào những chiếc ché còn giúp kết nối cộng đồng, cùng nhau chăm lo sản xuất, giữ gìn nguồn lợi cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất đai...