Đầu năm 2017, khi tôi mới tốt nghiệp đại học, giá tiền ảo Bitcoin tăng lên 750 USD (khoảng 20 triệu đồng) tạo nên cơn sốt đầu tư vào tiền điện tử. Tôi cũng bị cuốn vào trào lưu đó với giấc mộng màm giàu nhanh chóng, một bước thành người giàu với vài chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên từ đó đến nay, khi giá Bitcoin đã lên đến 92 nghìn USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) thì tôi chẳng những vẫn trắng tay mà còn mất hơn 500 triệu đồng. Sau 9 năm, tôi vẫn không có công việc ổn định, sống trong căn trọ nhỏ giữa lòng Hà Nội. Trong tài khoản, tôi chỉ còn một ít tiền điện tử vô giá trị.
Hồi mới đi làm với đồng lương 7 triệu đồng/tháng, tôi rủ thêm 4 người bạn thân cùng tìm hiểu và thử đầu tư vào tiền điện tử với suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cần bỏ vốn là nằm nhà cũng có thu nhập, nói đơn giản là "há miệng chờ sung", mong tiền điện tử tăng giá để kiếm lời.
Nhóm chúng tôi sử dụng chiến thuật "ôm" những đồng tiền điện tử ít tên tuổi, không đảm bảo hay còn gọi là coin rác (shitcoin). Đặc điểm dễ nhận ra nhất của coin rác chính là giá trị rất thấp. Với một khoản tiền vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tôi có thể sở hữu từ hàng chục, hàng trăm đồng tiền điện tử.

Đôi khi chỉ sau một đêm, những đồng tiền điện tử này có thể tăng giá hàng chục, trăm lần. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tụt giá chừng ấy lần, làm "cháy" tài khoản, mất sạch số tiền đã đổ vào. Lợi nhận lớn thì rủi ro cao là đương nhiên, chúng tôi chấp nhận, vì giá trị nhỏ của loại coin rác phù hợp với khả năng tài chính của cả nhóm.
Năm 2018, nhóm bạn và tôi trúng quả đậm. Với khoảng 20 triệu đồng bỏ vào đầu tư, chúng tôi lãi hơn 250 triệu đồng. Với những người trẻ mới ra trường, đó là số tiền khổng lồ. Mọi người định nhanh chóng rút tiền để mua xe máy mới, điện thoại mới, quần áo hàng hiệu; nhưng rồi cuối cùng chúng tôi quyết định không rút lui mà tiếp tục "đánh cược".
Hàng tháng đi làm, mỗi người đều trích một phần lương để đầu tư vào tiền điện tử. Nhiều lần "trúng quả đậm" và cũng nhiều lần "cháy" tài khoản nhưng nhóm vẫn đều giữ nguyên tắc: Chỉ đầu tư khoản tiền đang có chứ không vay mượn.
Đến năm 2021, Doge Coin tạo sự bùng nổ trên thị trường tiền điện tử khi tăng giá hơn 12.000%. Chúng tôi mua được giá 0,01USD/đồng và bán ở khoảng 0,6USD/đồng, lời gấp 60 lần. Một phiên thắng lớn, mỗi cá nhân đều kiếm được cả tỷ đồng. Dù được khuyên rút lui, tôi và 4 người bạn của mình vẫn tiếp tục xoay vòng vốn, tái đầu tư vào tiền điện tử. Đến năm 2022, Doge Coin chỉ còn giá 0,1USD/đồng. Chúng tôi mất gần như phần lớn tài sản.
Lúc này, mâu thuẫn nảy sinh vì tôi muốn vay mượn để có vốn đầu tư, tìm lại cảm giác có gia sản cả tỷ đồng nhưng nhóm bạn không đồng ý. Họ thấy được rủi ro của tiền điện tử vì các chu kỳ tăng giảm có phần ngẫu nhiên, rất khó đoán định. Vì vậy, tôi vay tiền từ mỗi người trong nhóm, rồi quyết định đi làm nhà đầu tư cá nhân với số vốn 500 triệu đồng.
Theo CoinMarketCap, trong hơn 2 triệu loại tiền điện tử đang lưu hành lúc đó, đa phần là các coin rác, thiếu uy tín. Để dành thời gian nghiên cứu đầu tư vào coin rác, tôi nghỉ việc, hy vọng sẽ lại một lần nữa thấy tài sản của mình tăng lên hàng chục, hàng trăm lần.
Tôi sinh hoạt theo múi giờ của Mỹ để kịp nhận tin tức đầu tư tiền điện tử; ban ngày ngủ, đêm thức, cứ như vậy suốt 3 năm. Gia đình ở quê không hiểu tôi làm gì, chỉ biết qua lời nối dối rằng tôi đang cộng tác với các công ty ở Mỹ. Những mối quan hệ bạn bè cũng dần xa cách hơn. Quan hệ xã hội gần như bằng không.
Sau 3 năm "ngụp lặn" với tiền điện tử, tôi không thành công thêm bất cứ phi vụ nào, những đồng tiền làm vốn cũng dần không cánh mà bay đi hết, sự nghiệp giẫm chân tại chỗ so với hồi mới ra trường.