Nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng tại Lahaina, Hawaii, Mỹ, ngày 10/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/8, người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui (Mỹ), ông Herman Andaya, đã đệ đơn xin từ chức trong bối cảnh cơ quan này đang chịu nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó với thảm họa cháy rừng được cho là tồi tệ nhất thế kỷ.
Theo thông cáo của hạt Maui, người đứng đầu hạt này, ông Richard Bissen, đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông Andaya và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Trong đơn, ông Andaya đã xin từ chức vì lý do sức khỏe.
Ông Andaya đệ đơn xin từ chức một ngày sau khi lần đầu tiên tham dự họp báo, diễn ra hơn 1 tuần sau thảm họa cháy rừng, vốn phá hủy hoặc làm hư hại 2.200 ngôi nhà, gây thiệt hại ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, khiến ít nhất 111 người thiệt mạng và hàng trăm người hiện vẫn mất tích.
Một số người dân ở Maui cho rằng nhiều người đã có thể được cứu sống nếu còi báo động khẩn cấp vang lên. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui cho rằng biện pháp này không hiệu quả, có thể gây rối cho người dân.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Andaya cho rằng người dân được hướng dẫn sẽ đi lên phía cao hơn trong trường hợp còi báo động vang lên.
Do đó, cơ quan quản lý khẩn cấp quan ngại việc bật còi báo động có thể khiến người dân đi lên phía sườn núi. Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thể lao mình vào lửa.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Joe Biden khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ duy trì cam kết giúp đỡ người dân Maui vượt qua đau thương, phục hồi và tái thiết.
Phát biểu trong một video được phát sóng trên chương trình "Good Morning America" của đài ABC, Tổng thống Biden cho biết đã triển khai hàng trăm nhân viên ứng phó khẩn cấp, cung cấp hàng nghìn bữa ăn và nhu yếu phẩm đến thị trấn.
Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Hawaii Anne Lopez cho biết sẽ chỉ định một bên thứ ba để điều tra, xem xét cách thức lực lượng chức năng địa phương ứng phó với thảm họa.
Thống đốc bang Hawaii Josh Green cũng đã yêu cầu bà Lopez xem xét toàn bộ hành động được thực thi trước, trong và sau thảm họa cháy rừng và cuộc điều tra của bên thứ ba sẽ là một phần của nỗ lực này. Việc xem xét dự kiến kéo dài vài tháng.
Vụ cháy rừng vừa qua được coi là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii kể từ năm 1960. Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra hỏa hoạn.
Theo ông Thomas Smith, Giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường./.