Đời sống

Cháy nhà chung cư: Sự quan trọng của cửa thoát hiểm khóa kín

Kiên Trung 13/09/2023 17:06

Cửa thoát hiểm chống cháy trong các tòa nhà chung cư luôn phải được giữ kín khi không có sự cố cháy và chỉ có thể mở theo một hướng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Trong quá trình thiết kế các tòa nhà chung cư, lối thoát hiểm luôn được xem xét để đảm bảo mọi người có thể thoát an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Thông thường, cửa thoát hiểm được làm từ thép không gỉ, được phủ bởi lớp sơn tĩnh điện, bên trong là vật liệu chống cháy.

Khi xảy ra sự cố cháy nổ, người dân trong tòa nhà sẽ di chuyển nhanh chóng ra hàng lang của mỗi tầng, sau đó thoát ra ngoài qua lối thoát hiểm. Trừ những lúc đó, cửa thoát hiểm chung cư luôn phải đóng, và chúng cũng được thiết kế để chỉ có thể mở theo một hướng.

Vì sao cửa thoát hiểm chung cư luôn phải đóng?

Lý do cửa thoát hiểm chung cư luôn phải đóng là để đảm bảo khói độc không lan vào lối đi an toàn này khi có hỏa hoạn. Khi vụ cháy xảy ra, người dân có thể an tâm chạy vào đây để thoát khỏi đám cháy mà không bị ngạt khói.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa nắm được nguyên tắc này và cố tình mở cửa thoát hiểm, dùng nhiều vật nặng để chèn lại, giữ chúng ở trạng thái mở để… cho mát và thoáng khí . Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể làm mất cơ hội sống của rất nhiều người trong tòa nhà khi hỏa hoạn xảy ra.

Trong lúc cửa thoát hiểm chống cháy của tòa nhà đang mở, nếu có đám cháy, khói sẽ từ nơi xảy ra cháy nổ theo hành lang tràn vào lối thoát hiểm, lan sang các tầng khác. Khi đó, người dân sẽ không còn lối đi nào an toàn để thoát thân. Việc mở cố định cửa thoát hiểm còn có thể dẫn đến hỏng hóc phần khóa. Nếu dùng vật cản chèn vào góc cạnh cửa trong thời gian dài, hệ khung sẽ bị móp mé, khả năng giữ cửa của bản lề yếu đi, dẫn đến lệch cửa, khi đóng vào sẽ không còn đạt được độ kín khít theo tiêu chuẩn.

fire-exit-15105578.jpg
Vì sao cửa thoát hiểm chống cháy ở chung cư luôn phải đóng? (Ảnh: Actionshutters)

Cửa mở quá lâu, tay co sẽ yếu và hỏng phần thủy lực, không thể tự động đóng chặt lại, dễ gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và tài sản khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Hậu quả đau lòng của việc mở cố định cửa thoát hiểm đã xảy ra trong vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) năm 2018. Đám cháy xuất phát từ tầng hầm. Khói nhanh chóng bốc lên các tầng trên do cửa ngăn giữa tầng hầm để đi lên các tầng trên bị chèn lại bằng gạch đá. Nhiều cư dân chạy theo lối cửa thoát hiểm và bị ngạt khói, dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp này, cửa thoát hiểm lại biến thành cửa tử. Đáng tiếc là do thiếu hiểu biết, tình trạng chèn gạch đá để mở cố định cửa thoát hiểm cho thoáng mát xảy ra ở nhiều tòa nhà.

Vì thế, theo quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các tòa nhà cao tầng cửa thoát hiểm phải luôn đóng kín. Cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Với các tòa nhà có chiều cao lớn hơn 15m, các cánh cửa này phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực.

Đối với các buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa.

Cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng phải được trang bị cơ cấu tự đóng khi có cháy.

tu-vu-chay-chung-cu-carina-khi-cua-thoat-hiem-thanh-cua-tu-5-15134210.jpg
Nhiều người kém hiểu biết đã chèn gạch đá để luôn mở cửa thoát hiểm. (Ảnh: Vietnamnet)

Vì sao cửa thoát hiểm chỉ mở một chiều?

Theo quy định, tất cả các cửa thoát hiểm chỉ cho phép mọi người mở theo một hướng bởi 2 lý do sau.

Giúp thoát hiểm nhanh chóng

Con người rất dễ hoảng loạn khi đám cháy xảy ra. Việu cửa thoát hiểm mở được 2 chiều sẽ dẫn đến tình trạng liên tục có người ra - vào theo hai chiều ngược nhau, dẫn đến va chạm, ùn tắc và làm chậm trễ quá trình thoát hiểm, thậm chí có thể tạo ra tình huống giằng co, không ai đi thoát. Vì thế, cửa này được thiết kế để đảm bảo lối thoát hiểm chỉ lưu thông một chiều, giúp công tác thoát hiểm trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn.

fire-exit-door-15161567.jpg
Cửa thoát hiểm chỉ được mở một chiều. (Ảnh: Idighardware)

Đảm bảo an ninh cho tòa nhà

Lối thoát hiểm thường sẽ dẫn từ các tầng xuống sảnh chính hoặc tầng hầm. Vì thế, cửa thoát hiểm chỉ được phép mở một chiều nhằm ngăn chặn bọn trộm cướp hay kẻ xấu nói chung theo lối thoát hiểm đột nhập các tầng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cháy nhà chung cư: Sự quan trọng của cửa thoát hiểm khóa kín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO