Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/Vietnam+) |
HYDRO đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng có phát thải ròng bằng không và giúp khử carbon cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như công nghiệp nặng và vận tải đường dài.
Hydro lam (blue) và hydro xám (grey) được sản xuất từ khí tự nhiên, trong khi hydro xanh (green) được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Theo Fitch Solutions, quy mô của ngành công nghiệp hydro toàn cầu dự kiến sẽ đạt 183 tỷ USD trong năm nay, so với 129 tỷ USD năm 2017.
Theo báo cáo của Rystad Energy, đến nay đã có hơn 52 dự án hydro xanh được công bố ở châu Phi, với tổng sản lượng dự kiến đạt 7,2 triệu tấn vào cuối năm 2035. Hầu hết các dự án này sẽ sản xuất amoniac như một sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang châu Âu. Nhà phân tích công nghệ sạch Rajeev Pandey tại Rystad Energy cho rằng, nền kinh tế hydro xanh toàn cầu đang bắt đầu hình thành, với châu Phi và châu Âu đang trở thành các động lực sản xuất và tiêu thụ.
Chuyên gia này nhận xét, trữ lượng khoáng sản khổng lồ của châu Phi rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất chất điện phân. Theo đó, tiềm năng của lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Phi kết hợp với các mục tiêu sản xuất và nhập khẩu của châu Âu sẽ không chỉ làm thay đổi dòng năng lượng, mà còn tạo ra chúng một lần nữa.
Các nước châu Âu đang tìm kiếm quan hệ đối tác ở châu Phi, nhờ nguồn cung đất đai và các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào cũng như chi phí lao động thấp. Hồi tháng 12/2022, Công ty Hyphen Hydrogen Energy của Namibia đã ký một thỏa thuận sơ bộ cung cấp 300.000 tấn amoniac xanh mỗi năm cho công ty tiện ích RWE của Đức.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đặt mục tiêu nhập khẩu tới 70% lượng hydro để đáp ứng nhu cầu trong nước vào năm 2030, trong đó phần lớn có nguồn gốc từ châu Phi. Ai Cập và Đức đã khởi động quan hệ đối tác sản xuất hydro xanh được hai bên ký kết tháng 11 năm ngoái, trong đó Đức sẽ giúp Ai Cập xây dựng chuỗi giá trị hydro xanh bền vững. Hai bên đã nhất trí thiết lập một lộ trình chung để hỗ trợ các công ty sản xuất, vận chuyển và tiếp thị các sản phẩm hydro.
Hợp tác giữa Ai Cập và Đức trong lĩnh vực LNG và hydro cũng hướng tới mục tiêu của Ai Cập là trở thành một trung tâm sản xuất hydro xanh lớn ở khu vực Địa Trung Hải. Tháng 8 năm ngoái, Ai Cập cũng ký 7 MoU để thành lập các tổ hợp sản xuất hydro xanh công nghiệp tại Khu công nghiệp Ain Al-Sokhna, nằm trong Khu kinh tế Kênh đào Suez. Ai Cập đang dẫn đầu châu Phi trong lĩnh vực sản xuất hydro xanh, với 21 dự án đang được triển khai. Các dự án này sẽ có tổng công suất điện phân 4 gigawatt vào năm 2030 và sản lượng 480.000 tấn hydro xanh mỗi năm.
Trong khi đó, Algeria sở hữu một số lợi thế cạnh tranh cho phép nước này phát triển hydro trở thành một lĩnh vực chiến lược trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo ước tính, lĩnh vực hydro xanh có thể mang lại nguồn doanh thu hằng năm lên đến gần 10 tỷ USD cho Algeria. Phát biểu bên lề hội thảo về chiến lược thúc đẩy phát triển hydro quốc gia, Tổng Giám đốc nghiên cứu và dự báo kinh tế của Bộ Năng lượng Algeria - ông Miloud Medjelled - nhấn mạnh quốc gia Bắc Phi đang đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn hydro xanh mỗi năm kể từ năm 2040. Theo ông Medjelled, sản phẩm của Algeria sẽ dành riêng cho xuất khẩu, đặc biệt là sang châu Âu, nơi có nhu cầu hydro xanh lên đến 10 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Rystad Energy, đầu tư sẽ là trở ngại chính đối với việc xây dựng các dự án quy mô lớn và cơ sở hạ tầng liên quan hydro xanh tại châu Phi. Tính đến nay, chỉ 13 megawatt trong tổng số 114 gigawatt theo kế hoạch của châu lục đã được quyết định đầu tư cuối cùng. Để trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hydro xanh, châu Phi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính và công nghệ từ các quốc gia phát triển, nhất là các đối tác đến từ châu Âu.