Cánh đồng lúa mỳ tại Godewaersvelde, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhật báo Le Monde của Pháp cho biết những người trồng lúa châu Âu đã có thể nở nụ cười tươi khi thấy những bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng của mình.
Dự trữ gạo thế giới vào cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt đỉnh 198,5 triệu tấn, mức chưa từng đạt được cho tới nay.
Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia kinh tế Pháp Laurence Girard, thị trường thế giới vẫn đang nóng, giá gạo vẫn ở mức cao và căng thẳng vẫn chưa giảm.
Thế giới không thiếu gạo do dự trữ toàn cầu khi kết thúc niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ đạt mức cao chưa từng có 198,5 triệu tấn. Các vựa lúa đầy ắp nhờ sản lượng dự kiến tăng lên 523 triệu tấn, theo ước tính công bố đầu tháng Bảy của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Vụ mùa lúa gạo ở Pháp được đánh giá là bội thu khi những cây lúa nặng trĩu bông đang độ chín vàng trên các cánh đồng. Các máy gặt sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng Chín và dự kiến sẽ thu được gần 80.000 tấn.
Đây là một sản lượng đáng kể được sản xuất trên diện tích đã giảm xuống chỉ còn 12.000ha. Giống lúa quý này của Pháp đã có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (IGP) dưới thương hiệu Gạo Camargue.
Ở Tây Ban Nha, xứ sở của gạo paella, những cánh đồng trồng giống lúa này đã được phát triển rộng hơn, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán trong mùa Hè năm nay nên sản lượng thu hoạch không được như mong muốn.
Ngược lại, mưa nhiều đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngũ cốc ở Italy, mang đến vụ mùa bội thu không chỉ cho lúa mỳ mà cả lúa gạo.
Mặc dù châu Âu được mùa lúa gạo, nhưng giá cả lại không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng lên. Giải thích nguyên nhân này, ông Bertrand Mazel, Chủ tịch Liên minh những người trồng lúa Pháp, cho biết: "Sản lượng gạo ở châu Âu năm nay sẽ đạt gần 3 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại lên đến gần 4 triệu tấn.”
Việc cung không đáp ứng được cầu sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới vẫn luôn ở mức cao. Do đó người nông dân có thể phấn khởi khi những hạt gạo của họ vẫn luôn có giá.
Ông Mazel chỉ rõ : “Tại thị trường gạo Vercelle ở Italy, giá gạo vẫn ở mức 600 euro/tấn kể từ đầu năm, so với 400 euro/tấn cách đây 18 tháng.”
Giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng là biểu hiện phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới. Giá lúa mỳ tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine đã gián tiếp ảnh hưởng đến lúa gạo. Lo lắng trước nguy cơ khan hiếm nguồn cung, nhiều nước tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này đã tìm cách tích trữ lúa gạo.
Do đó, trong khi giá lúa mỳ giảm, giá gạo lại không giảm, thậm chí tăng. Theo FAO, giá gạo hồi tháng Bảy vừa qua thậm chí còn đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Việc giá gạo tăng trên thị trường đủ để Ấn Độ, vốn lo lắng kiềm chế lạm phát trước thời hạn bầu cử quan trọng, đã cấm xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati trong tháng Bảy, khiến thị trường gạo thế giới càng tăng nhiệt.
Vào tháng Tám, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này, chiếm 40% khối lượng toàn cầu, đã "đổ thêm dầu vào lửa đầu cơ," bằng cách ban hành các sắc thuế và hạn chế đối với các loại gạo khác. Ngay cả khi Myanmar và Campuchia, với ba vụ thu hoạch mỗi năm, mở cửa "xả hàng" thì căng thẳng vẫn ở mức cao.
Cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu, đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi loại gạo tấm vốn được ưa chuộng và được tiêu thụ trung bình 70kg/người/năm, giá gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro./.