Chất lượng sản phẩm - Yếu tố hàng đầu để ra "biển lớn"
Đắk Nông đang đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng cho từng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Điều này giúp cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc.
Thực hành nông nghiệp tốt
Việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh hiện đang được các địa phương ở Đắk Nông tích cực triển khai.
Cụ thể, tại huyện Đắk Song hiện đã có 2.332 ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại. Trong đó, bao gồm 178 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP; 352 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; 150 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; 767 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rain forrest; 725 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Grown for good; 160 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn tiền hữu cơ.
Đến nay, địa phương đã xây dựng chứng nhận VietGAP cho 35 ha rau tại xã Nam Bình, 40 ha sầu riêng tại xã Thuận Hạnh, 25 ha bơ tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh.
Chứng nhận hữu cơ Việt Nam cũng được cấp cho 3 ha rau tại xã Trường Xuân; 1 HTX chăn nuôi gà với số lượng 2.000 con gà tại xã Nam Bình; 0,3 ha thanh long tại xã Thuận Hạnh. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo về Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững.
Tương tự, trên địa bàn huyện Cư Jút hiện đã có HTX Nông nghiệp Tiến Thành đang sản xuất cà phê với quy mô 10 ha; 1 tổ hợp tác lúa gạo tại xã Cư K’nia với quy mô 100 ha; tổ hợp tác trồng mít Nam Dong và Ea Pô với quy mô 57 ha được cấp giấy chứng nhận G.A.P.
Huyện Đắk Glong cũng tích cực triển khai áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, công nghệ mới về giống trong sản xuất...
Những kết quả này đang từng bước khẳng định chất lượng cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh Đắk Nông. Qua đó đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Xóa bỏ hàng hóa kém chất lượng
Nhiều sản phẩm hàng hóa của Đắk Nông hiện được đầu tư bài bản từ khâu sản xuất tới chế biến. Các sản phẩm hàng hóa hiện đạt những chứng nhận chất lượng tốt, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, HACCP...
Cụ thể như sản phẩm nhân hạt điều của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) hiện đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn HACCP. Sản phẩm đang có mặt ở hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các đối tác đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Hay như sản phẩm là hồ tiêu của HTX Hưng Phát ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp Rainforest Alliance, VietGAP.
Hiện HTX đang sản xuất với diện tích 40 ha, sản lượng 40 tấn/năm. Đây được xem là mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp bền vững hướng tới xuất khẩu trên địa bàn...
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường, mặc dù đạt nhiều kết quả tốt, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp có hành động tư lợi, tự bán rẻ thương hiệu, để tăng lợi nhuận.
Do vậy, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành, địa phương để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đối với các doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong khâu sản xuất, duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Đặc biệt, các doanh nghiệp chân chính tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi sản xuất kinh doanh hàng nhái, hàng giả. Từ đó từng bước xóa bỏ tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thị trường.