Kinh tế

Chất lượng - hộ chiếu của nông sản Đắk Nông

Phan Thanh Nga 05/05/2025 10:41

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc siết chặt kiểm định chất lượng đang trở thành rào cản nhưng cũng là cơ hội để nông sản Đắk Nông nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Yêu cầu chất lượng ngày càng cao

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), nông sản đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu lớn.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là việc vượt qua hàng rào kiểm định chất lượng ngày càng khắt khe từ các thị trường quốc tế.

img_5039(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ với nông dân, HTX, doanh nghiệp Đắk Nông thông tin thị trường về kiểm định chất lượng nông sản

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: “Thị trường quốc tế, nhất là các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình canh tác bền vững. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, HTX, nông dân cần lưu ý để tránh thiệt hại”.

Năm 2024, Việt Nam đã có hàng chục lô hàng nông sản bị cảnh báo hoặc bị từ chối nhập khẩu do không đạt chuẩn chất lượng. Trong đó nhiều trường hợp liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Nhiều mặt hàng chủ lực của Đắk Nông có mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2025
Nhiều mặt hàng chủ lực của Đắk Nông được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới (Ảnh: Lê Dung)

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận số lượng cảnh báo từ châu Âu nhiều nhất, với 21 trường hợp, tăng gấp 7 lần so với năm 2023.

Một số lô hàng hồ tiêu đen Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc) đã bị cảnh báo do phát hiện chất sudan đỏ vượt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép.

Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000ha, cây lâu năm khoảng 235.000ha.

Thay đổi phương thức sản xuất giúp nông sản Đắk Nông nâng cao chất lượng và giá trị
Thay đổi phương thức sản xuất giúp nông sản Đắk Nông nâng cao chất lượng và giá trị (Ảnh: Đức Hùng)

Đắk Nông được mệnh danh là thủ phủ của nhiều loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, rau củ quả... Đây đều là những lợi thế lớn nhưng đi cùng với đó là các thách thức về yêu cầu kiểm định chất lượng sản phẩm.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông tâm tư, phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, ít tiếp cận thông tin thị trường. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vẫn còn tùy tiện, thiếu kiểm soát.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc chưa hoàn thiện, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nông sản không đủ điều kiện vượt qua vòng kiểm định chất lượng.

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) hướng dẫn thành viên HTX sản xuất cà phê chất lượng cao
HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) hướng dẫn thành viên HTX sản xuất cà phê chất lượng cao (Ảnh: Đức Hùng)

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mua gom nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn rồi trộn lẫn để xuất khẩu gây ảnh hưởng chung đến uy tín nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Đắk Nông hiện đã xuất khẩu nông sản đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chanh dây, sầu riêng, mủ cao su...

Đổi mới tư duy sản xuất

Việc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kiểm định sẽ giúp nông sản Đắk Nông gia tăng giá trị, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu. Tại Đắk Nông, nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic... đã bước đầu khẳng định hiệu quả.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song cho biết, là đơn vị sản xuất hồ tiêu hữu cơ, trước đây, HTX từng lo lắng về yêu cầu kiểm định khắt khe từ châu Âu và các nước trên thế giới.

Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức, liên tục đầu tư đổi mới và tái cấu trúc toàn diện
Sản xuất chanh dây xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức (Ảnh: Lê Dung)

Thế nhưng, khi HTX đầu tư cho sản phẩm ngay từ đầu vào như sử dụng phân hữu cơ, quy trình khép kín và có chứng nhận rõ ràng thì các rào cản kỹ thuật không còn là vấn đề.

Ngược lại, giá bán sản phẩm thường cao hơn rất nhiều so với giá thị trường và đầu ra luôn ổn định. Có thời điểm giá hồ tiêu hữu cơ của HTX bán cho đối tác xuất khẩu cao gấp 2 lần so với giá hồ tiêu thông thường.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ Trang trại sầu riêng Gia Trung ở TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Từ thực tế đầu năm nay phía Trung Quốc trả những lô hàng sầu riêng của Việt Nam vì có chất Cadimi, vàng ô đã đặt ra cho chúng ta nhận thức mới về sản xuất. Đó là cần thay đổi tư duy, kỹ thuật canh tác. Mặc dù sầu riêng của trang trại đã đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng tôi tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật để tránh các chất cấm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế”.

img_5078(1).jpg
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang Trại sầu riêng Gia Trung ở TP. Gia Nghĩa chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông Hồ Gấm, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo hướng sạch, bền vững như ưu đãi tín dụng xanh, hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nông dân cần nắm bắt các chính sách này, tạo cơ hội áp dụng vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Doanh nghiệp cần trung thực trong kinh doanh, đầu tư đúng mức vào công nghệ, quy trình sản xuất và xây dựng thương hiệu để từ đó biến “hàng rào kỹ thuật” thành động lực để nâng cao chất lượng.

Cơ quan chức năng năng siết chặt kiểm tra từ gốc, minh bạch thông tin sản phẩm để giúp ngành hàng nông sản "đi đường dài" một cách an toàn.

2(1).jpg
Siết chặt quản lý từ gốc là giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

"Việc thay đổi thói quen canh tác cùng quy định bắt buộc kiểm tra từ gốc sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu mà còn bảo vệ chính người sản xuất", ông Gấm nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kỷ lục, với 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm trước. Tuy nhiên, có khoảng 80% nông sản Việt Nam xuất khẩu không có thương hiệu.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Chất lượng - hộ chiếu của nông sản Đắk Nông
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO