Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm việc với ông Christophe Bernasconi, Tổng Thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH). (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Thực hiện kế hoạch đối ngoại và xây dựng pháp luật năm 2023, từ ngày 2-3/5, đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam do Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Vương quốc Hà Lan.
Mục đích chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các tổ chức và cơ quan liên quan, tìm hiểu một số chủ đề trong cải cách tư pháp hiện nay nhằm phục vụ sửa đổi Luật Tòa án Nhân dân và nghiên cứu, biên soạn dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phóng viên TTXVN từ La Haye (Hà Lan) đưa tin cho biết trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Lan, đoàn đã tới thăm và làm việc với ông Christophe Bernasconi, Tổng Thư ký Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế (HCCH); ông Martin Doe, Phó Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA); bà Mirjam Zeevaart, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Trẻ em thuộc Bộ Tư pháp Hà Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Tại cuộc làm việc với đoàn, Tổng Thư ký HCCH Bernasconi đã giới thiệu sơ lược về tổ chức HCCH gồm 91 thành viên, trong đó có Việt Nam, cũng như một số hiệp ước chính của HCCH.
Hai bên đã thảo luận những vấn đề nảy sinh, vướng mắc trong thực thi pháp luật khi thi hành các bản án quốc tế ở Việt Nam hay bản án của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như việc Việt Nam dù đã tham gia nhưng chưa được các thành viên công ước khác hỗ trợ một cách đầy đủ và có trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội Việt Nam, các thẩm phán cũng trao đổi về những đề xuất, gợi mở của Tổng Thư ký Bernasconi liên quan một số công ước tiếp theo mà Việt Nam có thể xem xét thông qua (như Công ước năm 2005 về Lựa chọn Tòa án, Công ước năm 1980 về Bắt cóc Trẻ em...), ngoài 3 công ước đã tham gia, gồm Công ước năm 1965 về Tống đạt Giấy tờ (Service 1965), Công ước năm 1970 về Thu thập Chứng cứ (Evidence 1970) và Công ước Nuôi con nuôi năm 1993 (Adoption 1993).
Theo ông Bernasconi, khi tham gia các công ước La Haye, các quy định trong công ước đó sẽ tự động được công nhận và sử dụng tại các nước thành viên tham gia công ước mà không cần phải có thêm các thoả thuận song phương, chẳng hạn khi tham gia Công ước năm 1961 về Miễn Hợp pháp hóa Giấy tờ (Apostille 1961), giấy tờ của một nước thành viên công ước này (hiện có 124 thành viên tham gia) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tem Apostille được công nhận và sử dụng tại các nước thành viên công ước khác mà không cần phải thông qua thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm việc với ông Martin Doe, Phó Tổng Thư ký Toà Trọng tài thường trực (PCA). (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo PCA tại trụ sở chính của PCA tại Cung Hòa bình ở La Haye, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao hoạt động của PCA, đặc biệt là các phán quyết gần đây của tòa liên quan tới các tranh chấp quốc tế; khẳng định việc ủng hộ và hỗ trợ PCA đặt văn phòng tại Hà Nội thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tôn trọng và thực thi đầy đủ, nghiêm túc luật pháp quốc tế, đồng thời coi pháp luật quốc tế là công cụ để giải quyết các tranh chấp.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội thể hiện sự quan tâm của PCA tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng; mong muốn văn phòng của PCA tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào giải quyết tranh chấp, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị PCA tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại; hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật cũng như đào tạo các chuyên gia pháp lý quốc tế cho Việt Nam, tạo điều kiện cho các thẩm phán Việt Nam tham gia giải quyết các vụ việc quốc tế.
Về phần mình, Phó Tổng Thư ký PCA Martin Doe nhấn mạnh vai trò trọng tài và giữ cán cân công lý quốc tế của PCA trong các hoạt động; bày tỏ cảm ơn Việt Nam về các cam kết lâu dài ủng hộ PCA, đồng thời kỳ vọng về sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và PCA trong thời gian tới.
Đại diện PCA cũng cam kết hỗ trợ đào tạo thẩm phán cho Việt Nam, tạo cơ hội để các thẩm phán Việt Nam có thể tham gia giải quyết các vụ việc quốc tế. Nhân dịp này, ông Martin Doe cũng đã giới thiệu với đoàn về công trình tòa nhà Cung Hòa bình và một số phòng xét xử, trong đó có nơi ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông năm 2016.
Tại cuộc làm việc với Hội đồng Bảo vệ Trẻ em, đoàn tìm hiểu về vai trò và sự tham gia của nhân viên công tác xã hội trong các hoạt động bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc xử lý chuyển hướng, tránh để trẻ mặc cảm và bị xã hội kỳ thị, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ hòa nhập xã hội.
Tại cuộc trao đổi, các lãnh đạo Hội đồng Bảo vệ Trẻ em Hà Lan đã giới thiệu về lịch sử hình thành hội đồng từ năm 1905. Trong quá trình này, Hà Lan đã xây dựng một số luật liên quan tới trẻ vị thành niên, bao gồm cả mặt hình sự và dân sự, trong đó một mặt bảo vệ quyền lợi cơ bản của trẻ em, mặt khác các biện pháp xử lý thiên về mục đích giáo dục giúp trẻ có hành vi tích cực hơn nhằm ngăn chặn và giảm tỷ lệ phạm tội ở người chưa thành niên. Hà Lan có đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp dành cho đối tượng người chưa thành niên.
Quy trình tố tụng đối với các vụ án hình sự mà đối tượng là người chưa thành niên được quy định chủ yếu ở hai bộ luật là Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự và Hà Lan không có bộ luật riêng biệt cho vấn đề này.
Tại cuộc trao đổi, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam từ năm 1990 đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, trong đó cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên bộc lộ những bất cập, đòi hỏi cần có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng một đạo luật riêng sẽ góp phần xây dựng một quy trình tố tụng thân thiện, trong đó việc đề cao tính giáo dục sẽ giúp trẻ vị thành niên phạm pháp không tái phạm, tạo thuận lợi cho việc hội nhập xã hội sau này của trẻ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Lan, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Tại buổi làm việc, Đại sứ Phạm Việt Anh đã báo cáo với đoàn về tình hình hợp tác giữa hai nước cũng như tình hình bà con cộng đồng người Việt tại Hà Lan.
Theo Đại sứ, cộng đồng ta tại Hà Lan có khoảng 25.000 người, có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định. Thời gian qua, với sự nỗ lực của Đại sứ quán, một số hội đoàn người Việt đã được thành lập, như Tổng hội Người Việt tại Hà Lan và các hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan, có nhiều hoạt động vì cộng đồng và hướng về Tổ quốc.
Dự kiến, Câu lạc bộ Trường Sa tại Hà Lan cũng sẽ được thành lập trong tháng này. Đại sứ quán cũng chuẩn bị khai trương Tủ sách Tiếng Việt dành cho cộng đồng, đặt tại Phòng Lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán.
Đại sứ cũng cho biết, Hội Trí thức Việt Nam tại Hà Lan cũng sẽ sớm được chính thức thành lập để tập hợp lực lượng trí thức kiều bào, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan trong năm nay, Đại sứ quán cũng đã lên kế hoạch tổ chức hàng loạt hoạt động phong phú, đa dạng tại La Haye trong thời gian tới./.