Chàng trai người Nùng thành công từ nghề cơ khí

Y Krăk| 03/05/2022 05:26

Cần cù, chịu khó, anh Mông Việt Chung (SN 1992), dân tộc Nùng ở thôn 10, xã Ðắk R’la (Ðắk Mil) đã mạnh dạn lựa chọn nghề cơ khí để lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

ADQuảng cáo

Năm 2008, do điều kiện kinh tế khó khăn, một phần muốn học nghề, có việc làm ổn định để hỗ trợ gia đình trang trải cuộc sống, anh Chung đã phải nghỉ học lớp 10 giữa chừng. Sau một vài tháng ở nhà phụ giúp bố mẹ trồng trọt, chăn nuôi, nhận thấy nhu cầu của thị trường về các sản phẩm nhôm, sắt thép ngày càng cao, anh quyết định xin bố mẹ ra Hà Nội để học nghề cơ khí, vừa học thêm bổ túc văn hóa.

Năm 2010, sau 2 năm miệt mài học tập, anh ra trường, bắt đầu bằng việc làm thuê tại các xưởng cơ khí tư nhân để kiếm thu nhập, tích lũy thêm kinh nghiệm nghề. Đến năm 2013, anh Chung trở về địa phương thuê mặt bằng, mạnh dạn khởi nghiệp bằng nghề cơ khí.

Anh Chung (bên phải) tận tình hỗ trợ, hướng dẫn thanh niên địa phương học nghề cơ khí

Ban đầu, anh chủ yếu nhận gia công sắt, thép với hai công nhân làm việc thường xuyên. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn đầu tư còn thiếu, trên địa bàn lại có nhiều xưởng cơ khí đã hoạt động lâu năm nên anh Chung còn gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm làm ra chưa đạt chất lượng nên ít được nhiều người biết đến. Không quản ngại khó khăn ban đầu, ngày đêm anh mày mò nghiên cứu, tìm tòi, tháo gỡ những sai sót để tạo ra các sản phẩm mới đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Từ đó, các sản phẩm anh làm ra dần có mẫu mã đẹp, chất lượng hơn và được nhiều người ưa chuộng, tìm đặt mua.

Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy tiềm năng tiêu thụ lớn từ thị trường địa phương, anh quyết tâm mở rộng quy mô xưởng và mua đất mặt bằng đang thuê để ổn định công việc. Năm 2017, được Quỹ "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" của tỉnh hỗ trợ 100 triệu cùng nguồn vốn sẵn có, anh Chung tiếp tục đầu tư hơn 300 triệu đồng mua các loại máy móc chuyên dụng, mở rộng xưởng, mua ô tô tải để phục vụ hoạt động sản xuất.

ADQuảng cáo

Nhờ có máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm như: Khung nhôm, cửa kính, cầu thang inox… ngày càng đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và nhận được nhiều đơn hàng. Hiện sản phẩm của Xưởng Cơ khí lắp ghép dân dụng và xây dựng Việt Chung được tiêu thụ nhiều tại các xã Ðắk Gằn, Ðắk R’la và một số xã trên địa bàn huyện Cư Jút.

Xưởng Cơ khí lắp ghép dân dụng và xây dựng Việt Chung tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng

Bên cạnh cung cấp sản phẩm cơ khí chất lượng cao, anh Mông Việt Chung còn nhận dạy nghề cơ khí và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Hiện xưởng cơ khí của anh tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng; doanh thu của xưởng hàng năm từ 180 - 250 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Chung còn là một thanh niên tích cực trong công tác Đoàn, tham gia giúp đỡ Đoàn xã hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em như: hàn xích đu, thiết kế cầu trượt...

Bằng sức trẻ và nghị lực làm giàu, tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Chung thực sự là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của đoàn thanh niên địa phương. Hy vọng, thời gian tới, chàng trai người Nùng Mông Việt Chung sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trên con đường đã chọn, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai người Nùng thành công từ nghề cơ khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO