Kinh tế

Chàng trai Đắk Nông biến đầm lầy thành nguồn thu hàng trăm triệu

Hưng Nguyên 17/12/2024 04:42

Sử dụng đầm lầy nuôi cá, mỗi năm anh Nguyễn Chí Công, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Từ diện tích đầm lầy không thể canh tác cây trồng, gia đình anh Nguyễn Chí Công, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã cải tạo để nuôi cá. Những năm trước, gia đình anh chủ yếu nuôi cá truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao.

dsc06073(1).jpg
Anh Nguyễn Chí Công, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức đang phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá trắm, chép giòn

Sau khi nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều, cách đây 3 năm, anh Công học hỏi về phương pháp nuôi cá trắm, chép giòn và mạnh dạn đầu tư nuôi quy mô lớn.

Năm đầu, gia đình thả nuôi ít cá, thu về chỉ 1 - 2 tấn. Sau khi có đầu ra ổn định và có kinh nghiệm, gia đình nuôi trên diện tích 3ha mặt nước, mỗi năm thu được 5 tấn cá trắm, chép giòn.

Với kinh nghiệm 3 năm, những kỹ thuật phòng bệnh, xử lý ao hồ anh Công nắm rất kỹ. Theo anh Công, quan trọng nhất trong nuôi cá là nguồn nước phải sạch. Hồ nước chảy thì cá mới nhanh lớn, nhanh giòn. Để cho thịt cá trở nên giòn chính là ở khâu thức ăn cho cá.

Cá nuôi từ nhỏ vẫn cho ăn bằng thức ăn thông thường, cỏ tự nhiên. Khi cá được 6 - 7 tháng tuổi, đạt trọng lượng khoảng trên 2kg thì chuyển sang chế độ thức ăn giòn. Thức ăn cho cá lúc này là hạt đậu tằm nhập khẩu từ Úc. Đến lúc cá đạt trọng lượng từ 4 - 8kg thì xuất bán.

dsc06099(1).jpg
Hạt đậu tằm nhập khẩu từ Úc là thức ăn quyết định độ giòn của cá

Anh Công chia sẻ, yếu tố quyết định sự phát triển của mô hình này là môi trường nước. Do đó, ao nuôi được anh thiết kế để nước luôn lưu thông, giúp cá khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh.

"Đây cũng là lợi thế của tôi. Vì đầm lầy của gia đình tôi luôn có dòng nước tự nhiên chảy qua. Bên cạnh đó, thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên chất lượng thịt cá", anh Công cho biết.

Qua quan sát, hình dáng bên ngoài của cá trắm, chép giòn không có gì khác biệt so với giống cá truyền thống. Tuy nhiên, khi chế biến, thịt cá có độ dai, giòn, được thị trường ưa chuộng hơn.

Hiện nay, cá trắm, chép giòn được bán 150.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cá truyền thống. Với 5 tấn cá mỗi năm, nguồn thu nhập mang về cho gia đình khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Chí Công, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Anh Công đang nuôi cá theo hình thức gối đầu. Anh nuôi cá từ nhỏ đến khi cá trưởng thành nên tháng nào cũng có cá trắm, chép giòn bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, anh còn hạn chế được quá trình hao hụt đàn cá do mua giống về nuôi đơn thuần cá trắm, chép giòn. Hiện nay, anh Công đang tiếp tục liên hệ, kết nối tiêu thụ với các đầu mối thu mua cá ngoài tỉnh để mở rộng thị trường và quy mô nuôi.

dsc06042(1).jpg
Nguồn nước chảy tự nhiên qua các hồ đang là lợi thế lớn nhất để anh Nguyễn Chí Công, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức nuôi hiệu quả cá trắm, chép giòn

Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức đánh giá, mô hình nuôi cá trắm, chép giòn của gia đình anh Công là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Tuy Đức.

Gia đình đầu tư khá bài bản, tận dụng được lợi thế về điều kiện tự nhiên, ít xảy ra dịch bệnh, cho năng suất cao, sản phẩm được thị trường tiêu thụ đón nhận với giá cao hơn so với các loại cá truyền thống.

Mô hình nuôi cá trắm, chép giòn của gia đình anh Công là hướng đi mới trên địa bàn. Huyện sẽ tính toán nhân rộng mô hình này. Trong đó, huyện chuyển đổi những đối tượng cá nuôi hiệu quả thấp sang nuôi trắm, chép giòn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Huyện sẽ có phương án xây dựng vùng nguyên liệu, tạo liên kết, xúc tiến đầu ra để góp phần phát triển nghề nuôi cá theo hướng hiệu quả cao, bền vững.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chàng trai Đắk Nông biến đầm lầy thành nguồn thu hàng trăm triệu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO