Chặng đường vươn mình của hạ tầng giao thông Đắk Nông
Đắk Nông ghi dấu ấn mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng giao thông, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày càng đồng bộ
Giao thông không chỉ đóng vai trò kết nối các địa phương mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, sự chuyển mình rõ rệt về giao thông ở Đắk Nông, từ việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ đến nỗ lực triển khai các dự án trọng điểm như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Đắk Nông hiện có tổng chiều dài hệ thống giao thông lên đến 4.682km, trong đó gồm 497km quốc lộ và 226km tỉnh lộ. Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông đã nhựa hóa 100% các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, tỷ lệ đường huyện được nhựa hóa là 82%, còn đối với các tuyến đường xã và thôn, tỷ lệ này đạt 53%. Điều này minh chứng cho nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông.
Một trong những điểm nhấn lớn nhất của Đắk Nông trong giai đoạn 2020 - 2025 là triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Dự án này sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đến TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Dự án còn được kỳ vọng tạo bước ngoặt quan trọng giúp Đắk Nông thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho Đắk Nông.
Giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Nông đã làm mới 44km và nhựa hóa 186km đường bộ, giúp tăng tỷ lệ nhựa hóa từ 65% lên 69%. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến sẽ đạt được mục tiêu nhựa hóa 73% tổng chiều dài các tuyến đường, vượt kế hoạch đề ra.
Nguồn: Sở GT-VT Đắk Nông
Theo Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, Đắk Nông hiện đã hình thành hệ thống giao thông đối ngoại gồm 4 trục dọc quan trọng.
Các trục này kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh; kết nối với Campuchia thông qua 2 cửa khẩu (Bu P'răng và Đắk Puer).
Hệ thống tỉnh lộ ở Đắk Nông được quy hoạch 9 tuyến, trong đó 8 tuyến kết nối theo trục ngang. Hướng tuyến được hình thành từ 5 tuyến đường hiện hữu (tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 4B, tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 6).
Đắk Nông kết hợp nâng cấp, cải tạo một số đoạn đường huyện, đường xã và xây dựng mới một số đoạn tuyến để tạo thành mạng lưới giao thông hài hòa. Riêng tỉnh lộ 2 được giữ nguyên hướng tuyến.
Còn nhiều mục tiêu phía trước
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng thực tế Đắk Nông vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông.
Đắk Nông hiện chỉ có loại hình giao đường bộ. Thế nhưng, phần lớn kết cấu hạ tầng đường bộ của tỉnh vẫn chỉ ở mức cơ bản. Trong đó, rất nhiều tuyến đường được xây dựng cách đây hàng chục năm và đã xuống cấp, hư hỏng.
Một số tuyến đường trọng yếu như quốc lộ 14, quốc 28, quốc lộ 14C, tỉnh lộ 1... hiện tại đã bắt đầu quá tải, nhanh chóng xuống cấp, cần được đầu tư, nâng cấp, mở rộng.
Do hạn chế về nguồn vốn, nhiều dự án giao thông ở Đắk Nông vẫn chưa thể triển khai đồng bộ, đặc biệt là các dự án có vai trò động lực lớn như Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê, Dự án đường đến cửa khẩu Đắk Puer...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 -2025 tiếp tục xác định phát triển hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ nay đến hết nhiệm kỳ, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung triển khai các giải pháp để phát triển hạ tầng giao thông.
Trước hết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của phát triển đột phá kết cấu hạ tầng giao thông.
Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội.
Trong quá trình triển khai, tỉnh phát huy lợi thế tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Đắk Nông đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghị quyết về phát triển giao thông, bảo đảm đạt hiệu quả các chỉ tiêu trong từng giai đoạn.
Đến năm 2025, Đắk Nông hoàn thành mục tiêu nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 73%, nhựa hóa đường huyện đạt 88% và nâng tỷ lệ đường tỉnh đạt quy mô 2 làn xe lên 55%.
Đắk Nông tiếp tục quan tâm, chỉ đạo ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.
Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn ODA, PPP và các nguồn vốn khác, Đắk Nông sẽ ưu tiên phát triển các trục đường thiết yếu, các tuyến đường đông dân cư. Tỉnh ưu tiên, chú trọng phối hợp với Bình Phước để triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Đắk Nông sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương, Bộ GT - VT quan tâm, sớm triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 28 đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê - Đắk Som; đoạn qua thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) và thị trấn Ea T’ling (Cư Jút).
Tỉnh huy động các nguồn lực và đề xuất Trung ương, Bộ GT - VT quan tâm, sớm xúc tiến khởi công xây dựng, hoàn thiện tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn, công trình giao thông. Các lực lượng chức năng nâng cao hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý hành lang an toàn đường bộ, tải trọng, biển hiệu, biển báo, chỉ dẫn đường bộ.
Đắk Nông cũng ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho công tác bảo trì, sửa chữa đường bộ và các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp...
Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ có khoảng 270km đường xã, thôn, buôn được đầu tư nâng cấp. Các tuyến tỉnh lộ được đầu tư xây dựng khoảng 82km, với quy mô 2 làn xe.