Chăm "thượng đế"... đúng luật
Sau khi có các quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, các nhà hàng, quán nhậu đã linh hoạt thích ứng.
Tâm lý của khách hàng ảnh hưởng đến kinh doanh ăn uống
Từ ngày 1/1/2020, khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe” chính thức được luật hóa. Cụ thể, một trong những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.
Các mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe thật sự đã phát huy được tác dụng. Nhiều người dân đã thật sự lo sợ, không dám uống rượu, bia khi lái xe; hoặc có uống thì cũng không dám lái xe. Ý thức của đại bộ phận các giai tầng Nhân dân ngày càng nâng cao trong văn hóa uống bia, rượu và tham gia giao thông.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là các mức phạt hành chính cao; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã khiến nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn trở nên… vắng khách.
Đường Tôn Đức Thắng, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa lâu nay được xem như “thủ phủ” ăn nhậu trên địa bàn thành phố. Trước đây, dọc 2 bên đường, các quán nhậu, nhà hàng luôn tấp nập, nườm nượp thực khách. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, mức xử phạt cao đối với vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã khiến cho hoạt động kinh doanh tại đây đã trở nên ế ẩm hơn. Anh Vũ Xuân Tân, chủ quán nhậu Em Tôi cho hay, trước đây bình quân mỗi đêm doanh thu của quán tầm 5 triệu đồng, riêng tiền bia rượu cũng chiếm gần 1 nửa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khách hàng giảm rất nhiều, doanh thu cũng thấp hơn từ một nửa đến 2/3.
Được biết, một số quán nhậu dọc tuyến đường này (và nhiều quán khác trên đia bàn TP. Gia Nghĩa) cũng đã đóng cửa hoặc sang tiệm vì bán ế. Điển hình như quá Ốc Đêm đã đóng cửa; còn quán nướng BBQ đã sang chủ, đổi tên thành quán Sao Biển…
Chủ quán bê thui Tùng Xẻo, phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa) cũng than thở: “Mấy năm trở lại đây, khách hàng đến quán giảm đi nhiều. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng, nhân công, nguyên vật liệu lại không giảm và có phần gia tăng. Nhiều quán đã phải đóng cửa vì không bán được. Gia đình tôi đang phải cầm cự để duy trì kinh doanh”.
Linh hoạt, chuyển mình để thích ứng
Trước tình trạng vắng khách đến ăn uống, không ít nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm các giải pháp để duy trì và giữ vững doanh thu.
Lodge Resort (Khách sạn Lodge), phường Nghĩa Trung là địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, bar, karaoke lớn nhất ở TP. Gia Nghĩa và cả tỉnh Đắk Nông. Cũng cùng chung cảnh ngộ vắng khách như nhiều nhà hàng, quán nhậu khác trên địa bàn, chủ khách sạn đã thực hiện một số giải pháp để giữ khách quen và lôi kéo lượng khách hàng mới đến.
Anh Nguyễn Mạnh Linh, quản lý bộ phận bar và karaoke-Khách sạn Lodge cho biết: Được sự cho phép của lãnh đạo khách sạn, chúng tôi đã thực hiện phương án hỗ trợ khách hàng đến sử dụng các dịch vụ. Cụ thể như tại nhà hàng, quán bar hay hát karaoke, chúng tôi sẽ hỗ trợ mỗi bàn, phòng một chuyến taxi chở khách về trong bán kính 5km trở lại, hoàn toàn miễn phí.
“Hay như những trường hợp, trước khi đến ăn uống, khách có đi xe gắn máy, ô tô đến mà lúc ra về, khách không dám hoặc không thể điều khiển phương tiện, chúng tôi cũng bố trí tài xế chạy xe chở khách về đến tận nhà, tất nhiên là trong bán kính 5km trở lại. Đồng thời, khách sạn cũng dành một khoảng sân trống rộng rãi để khách có nhu cầu gửi phương tiện lại qua đêm”, anh Linh cho hay.
Quán nhậu Em Tôi tại đường Tôn Đức Thắng lâu nay cũng ít khách đến ăn uống. Theo chủ quán, một phần nguyên nhân cũng là do các quy định về xử phạt nồng độ cồn và sự kiểm soát, xử lý nghiêm của lực lượng chức năng. Để thu hút khách hàng, khiến cho mọi người an tâm hơn nếu có lỡ “quá chén”, chủ quán sẵn sàng bố trí nhân viên đi xe máy của khách và chở họ về nhà. Đồng thời, quán hỗ trợ gọi taxi chở khách về nhà; cất giữ xe máy an toàn cho khách.
Theo chủ quán bê thui Tùng Xẻo, do tình trạng quán vắng khách hơn, gia đình còn mở thêm dịch vụ bán cây cảnh phía trước mặt bằng quán. Cụ thể, hai vợ chồng đã trồng thêm các loại cây sen đá, xương rồng ở vườn rẫy, sau đó, dành một khoảng trống phía trước quán để trưng bày và bán. Đồng thời, anh đi tìm những cửa hàng bán cây cảnh trên địa bàn để cung cấp loại cây cảnh này. Không những vậy, vào những dịp lễ, tết, đối với những khách hàng thân thiết, hoặc khi ăn uống có giá hóa đơn cao, quán còn tặng thêm họ những cây sen đá, chậu xương rồng để làm quà lưu niệm.
Để tăng doanh thu, nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc giao đồ, ship hàng đến tận nhà. Đây chắc chắn là phương án khả thi và đem lại hiệu quả kinh tế khá cho các hàng quán. Anh Vũ Văn Hùng, chủ quán Hùng Dê, đường Hàm Nghi, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa khẳng định, việc giao đồ ăn, thức uống đến tận nhà cho khách, hoặc nhận đặt bàn tại nhà khách đã giúp cho quán giữ vững và tăng doanh thu. Việc làm này cũng tiết kiệm một chút kinh phí cho quán như nhân viên phục vụ, dọn dẹp, rửa đồ dùng…
Hay như quán Hà Nội Xưa ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, trước đây chỉ bán đồ ăn nhậu tại nhà. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, bên cạnh tăng cường giao đồ tận nhà cho khách, quán còn nhận đặt tiệc tại nhà khách hàng mỗi khi có yêu cầu. Theo chủ quán, việc đặt tiệc cũng vất vả vì phải di chuyển đồ ăn, thức uống, gia vị rồi bàn ghế, chén đũa… Tuy nhiên, bù lại, hoạt động này cũng giúp quán giữ vững doanh thu trong bối cảnh khách đến ăn uống tại quán vắng vẻ hơn trước.
Hoạt động kinh doanh ngành ăn uống vốn rất khốc liệt, càng khốc liệt hơn ở ngay trên địa bàn TP. Gia Nghĩa vì lượng khách hàng không nhiều. Thêm vào đó là những tác động từ các chính sách quản lý của Nhà nước cũng khiến cho việc kinh doanh ăn uống gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc chủ động xoay chuyển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi hình thức phục vụ của các nhà hàng, quán nhậu sẽ biến khó khăn thành cơ hội, thành phương thức kinh doanh mới, mang lại hiệu quả.