Nông nghiệp - Nông thôn

Chăm lo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Bảo Ngọc 11/08/2023 09:07

Đắk Nông luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện các dự án sinh kế để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Hiện nay, Đắk Nông đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I: 2021-2025.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2021 đến nay, tổng số vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 555 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135. Trong đó, riêng Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, nguồn vốn được phân bổ năm 2021 là 260 triệu đồng; năm 2022 là 14, 317 tỷ đồng; năm 2023 là 36,066 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, các địa phương đã hỗ trợ người dân, đồng bào DTTS phát triển nhiều mô hình sản xuất, làm ăn kinh tế mang lại hiệu quả cao như: nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, trồng dâu nuôi tằm. Một số tổ hợp tác về dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ vốn để phát triển, hoạt động hiệu quả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Qua đó, góp phần hiệu quả về công tác giảm nghèo. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cuối năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%). Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).

dsc_0036(1).jpg
Được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS xã Đắk Ha (Đắk Glong) chăn nuôi dê sinh sản, cho thu nhập ổn định (Lê Tuấn)

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình này tại Ðắk Nông là hơn 1.136 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình, tỉnh Đắk Nông (tập trung ở huyện Đắk Glong và Tuy Đức) triển khai 10 dự án với 12 tiểu dự án.

Riêng năm 2022, tổng nguồn vốn cho Chương trình hơn 287 tỷ đồng. Đến hết ngày 1/3/2023, Chương trình giải ngân vốn năm 2022 hơn 44 tỷ đồng, đạt 15,39%. Toàn tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 18 hộ; chuyển đổi nghề cho 20 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 42 hộ; mở 4 lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện Tuy Đức và Đắk Glong; đào tạo nghề giải quyết việc làm cho 868 lao động...

Từng bước hỗ trợ đồng bào thoát nghèo

Quảng Hòa là 1 trong những địa phương thuộc diện khó khăn nhất của huyện nghèo Đắk Glong. Tại đây, địa phương đang nỗ lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để giúp đồng bào từng bước thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống.

Mới đây, UBND huyện Đắk Glong đã đồng ý chủ trương để UBND xã Quảng Hòa triển khai các dự án trồng dâu nuôi tằm của Tổ cộng đồng thôn, 6, 7, 8 và 10 thuộc Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Dự án có 14 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có 7 hộ cận nghèo; 3 hộ nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo. Thời gian thực hiện là 2 năm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1,211 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 204 triệu đồng, số còn lại do người dân đóng góp.

z4590164155898_0c2b12a84a42cb1b7beacd03d26a176a-1-.jpg
Khi tham gia vào Tổ cộng đồng trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Hòa, mỗi tổ viên nuôi trung bình 2 hộp tằm/tháng, thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng/tháng. (A Trư)

UBND xã Quảng Hòa cũng đã phê duyệt dự án hỗ trợ sản suất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Trồng dâu nuôi tằm của Tổ cộng đồng thôn 7 và 8. Dự án có 12 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian thực hiện là 2 năm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 901 triệu đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 228 triệu đồng, số còn lại do các hộ dân đóng góp.

Qua tìm hiểu, các hộ dân tham gia những dự án sản xuất cộng đồng trên đều rất vui mừng. Tham gia dự án, không những được Nhà nước hỗ trợ về vốn, họ còn được tiếp cận nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn; hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; bảo đảm đầu ra ổn định. Quan trọng hơn là họ có thể vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định và từng bước nâng cao cuộc sống ngay trên mảnh đất mình canh tác.

Ông Hà Văn Độ, Trưởng thôn 7, xã Quảng Hòa cho hay: Những hộ đồng bào DTTS trong thôn tham gia vào dự án sản xuất cộng đồng trồng dâu nuôi tằm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Do vậy, với các dự án này, không những người dân vui mừng mà ngay cả Chi bộ, Ban tự quản thôn cũng rất phấn khởi vì đồng bào có cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết thêm, người dân địa phương trước đây cũng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mặc dù cũng có thu nhập nhưng chưa cao, tính cộng đồng chưa có và cũng chưa có sự ổn định, bền vững. Có thể khẳng định rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào DTTS, nhất là các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo thực hiện những dự án sản xuất cộng đồng về trồng dâu nuôi tằm là đã trao cho người dân “cần câu” hiệu quả. Chính quyền địa phương sẽ tích cực hỗ trợ người dân khi tham gia thực hiện các dự án.

mao(1).jpg
Đồ họa: Q.S

Theo UBND tỉnh, trong thời gian tiếp theo, việc tổ chức thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo. Các ngành, địa phương khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Địa phương phải ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; bảo đảm nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Quá trình triển khai phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Các dự án ưu tiên những công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chăm lo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO