Chăm lo để trẻ em phát triển toàn diện

Tường Nhiên| 08/09/2022 09:27

Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, hơn 10 năm qua, tỉnh Đắk Nông đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” (Chỉ thị số 20), đạt được những kết quả nhất định.

Nâng cao nhận thức

Tính đến tháng 5 năm 2022, Đắk Nông có khoảng 185.562 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 27% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 79.528 em, chiếm 11,6%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em (14 nhóm) là 1.198 em, chiếm 0,17%; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 23.783 em, chiếm 12,8% tổng số trẻ em.

Thực hiện Chỉ thị số 20 cùng với quán triệt, học tập, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật về công tác trẻ em được tăng cường. Hình thức tuyên truyền đổi mới, đa dạng, phong phú và thiết thực. Qua đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác trẻ em từng bước được nâng lên.

Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em nói chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói riêng tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, được HĐND, UBND và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em trên địa bàn tỉnh kịp thời thể chế hóa bằng các chính sách, văn bản cụ thể.

Từ đó, tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và phòng, chống bạo lực trẻ em. Các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em được quan tâm, phối hợp giải quyết, hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Trẻ em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập

Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em

Thực hiện Chỉ thị số 20, công tác quản lý, xây dựng, nhân rộng mô hình, huy động đông đảo các lực lượng, tầng lớp Nhân dân trong xã hội tham gia vào công tác chăm sóc, bảo vệ, tạo môi trường để trẻ em được phát triển toàn diện được quan tâm.

Đến nay, 100% các cấp học và bậc học ở xã, phường, thị trấn có công trình phòng học kiên cố. Hệ thống công trình nước sạch và nhà vệ sinh, bảo đảm nhu cầu học tập và sinh hoạt của các cháu ngay tại trường học.

100% các cơ sở giáo dục mầm non đều bảo đảm an toàn cho trẻ, hạn chế các trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm hay tai nạn thương tích trong trường học. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường, từng lớp và từng khả năng của trẻ.

Các cơ sở chú trọng đổi mới môi trường giáo dục, tạo cho trẻ có cơ hội trải nghiệm, sáng tạo theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học”. Số trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt đạt 100%. Trẻ khuyết tật được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, giúp xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị và tái hòa nhập cùng các bạn trong trường và xã hội.

Các chính sách và phúc lợi xã hội đối với trẻ em như cấp thẻ bảo hiểm y tế; khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiêm chủng mở rộng… được thực hiện đầy đủ. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các gia đình nghèo được hưởng chính sách trợ giúp xã hội và khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm.

Công tác chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí cho trẻ em ngày càng được quan tâm thông qua việc đầu tư xây dựng các sân bóng đá mini, khu vui chơi sinh thái, bể bơi. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 132 sân chơi, điểm vui chơi sinh hoạt cho trẻ em các thôn, bản, trường học. Một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm tạo sân chơi lành mạnh, phong trào bổ ích, từng bước hình thành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho các em thiếu niên, nhi đồng.

Các mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được quan tâm xây dựng và thực hiện thí điểm. Trong đó, Đắk nông đã triển khai thí điểm 7 mô hình tiêu biểu thuộc Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em ở 45/71 xã, phường, thị trấn.

Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động vì trẻ em từng bước phát huy hiệu quả. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em giai đoạn 2012 - 2021 là 9.350 triệu đồng; trong đó ngân sách Trung ương 5.597 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 3.753 triệu đồng. Ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho: phổ cập giáo dục; giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội; giáo dục năng khiếu và tài năng. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa được chú trọng, huy động sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/cham-lo-de-tre-em-phat-trien-toan-dien-94956.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/cham-lo-de-tre-em-phat-trien-toan-dien-94956.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chăm lo để trẻ em phát triển toàn diện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO