Đời sống

Chăm lo để người nằm xuống sống mãi với non sông

Thanh Hằng 27/07/2023 05:00

Đắk Nông đã và đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, qua đó thể hiện trách nhiệm và tinh thần “uống nước nhớ nguồn” với những người đã nằm xuống vì độc lập dân tộc.

Đồng lòng, chung sức

Xã Quảng Tâm (Tuy Đức) là địa phương được xác định còn nhiều hài cốt liệt sĩ nằm rải rác, chưa được tìm thấy. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức hội nghị và đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân trên địa bàn hỗ trợ, phối hợp xác minh, cung cấp thông tin làm cơ sở thiết lập bản đồ phục vụ cho nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.

hinh-1(1).jpg
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh.

Mới đây trên địa bàn xã Quảng Tâm đã phát hiện, quy tập được 5 hài cốt liệt sĩ. Hiện trạng khu vực phát hiện hài cốt liệt sĩ là đất đã được người dân canh tác ổn định, cây trồng phát triển tốt, chính vì thế địa phương đã vận động chủ đất hỗ trợ mặt bằng, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng tiến hành công tác quy tập.

“Sau nhiều năm, vị trí chôn cất liệt sĩ đã được người dân canh tác, xây dựng các công trình. Hiện nay việc hỗ trợ tài sản cho người dân còn hạn chế, chính vì thế mỗi khi phát hiện ra hài cốt liệt sĩ, địa phương đã vận động người dân hỗ trợ mặt bằng, tự nguyện di dời tài sản như một cách để tri ân các anh hùng liệt sĩ”, ông Nguyễn Cát Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm nói.

hinh-2(1).jpg
Trong quá trình hoàn thiện bản đồ, tỉnh Đắk Nông đã nhận được sự hỗ trợ của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Nông còn khoảng 2.000 liệt sĩ chưa được quy tập, hiện nằm rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Việc xây dựng và hoàn thiện Bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ.

Trong quá trình hoàn thiện bản đồ, tỉnh Đắk Nông đã nhận được sự hỗ trợ của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử. Đây được coi là những đầu mối đặc biệt quan trọng trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ đó, lực lượng chức năng có cơ sở xác định, tìm kiếm để quy tập tập trung, chính xác và đạt kết quả cao hơn.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, triển khai từ giữa năm 2018 trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 515 Quốc gia về lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cơ quan quân sự, các cấp ngành, địa phương phối hợp tổ chức xác minh, kết luận thông tin nơi hi sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ.

Sau 5 năm triển khai, đến nay 8/8 huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trên cơ sở này, cấp tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản đồ toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

hinh-3-1-.jpg
Đến nay 8/8 huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

 Thượng tá Đặng Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông cho biết, mỗi năm, các huyện, thành phố đều tiến hành tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Qua thực tiễn triển khai, công tác đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền các cấp và Nhân dân địa phương.

“Từ năm 2022 tới nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, xác minh 23 khu vực và tìm kiếm quy tập được 25 hài cốt liệt sĩ (1 liệt sĩ có thông tin, 24 liệt sĩ không có thông tin). Sau khi tìm kiếm, các đơn vị liên quan đã tổ chức lễ truy điệu và an táng 27 hài cốt liệt sĩ bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, trang nghiêm, đúng nghi lễ (25 liệt sĩ quy tập trong tỉnh; 2 liệt sĩ đón nhận về từ địa phương khác)”, Thượng tá Đặng Văn Tiến nói.

Nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm

Năm 2021, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R’lấp được đầu tư, tôn tạo, mở rộng, khang trang và quy củ hơn làm nơi an nghỉ, ghi công những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây cũng là địa chỉ đỏ để chính quyền và Nhân dân địa phương đến chăm nom, thăm viếng thường xuyên bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới công lao, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ.

hinh-4(2).jpg
Quy mô, diện mạo của các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, khang trang.

Tương tự, từ khi được nâng cấp từ Đài tưởng niệm lên thành Nghĩa trang liệt sĩ, khuôn viên của Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tuy Đức ngày càng khang trang, ấm cúng hơn. Các phần mộ được xây dựng kiên cố, ốp đá hoa cương, trên mỗi ngôi mộ được đặt sẵn bát hương và khay để đồ cùng, tạo thuận lợi cho thân nhân và Nhân dân địa phương đến thắp hương tưởng nhớ.

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Tuy Đức, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện có diện tích khoảng gần 2ha, là nơi an táng cho khoảng hơn 1.000 liệt sĩ. Hiện tại, cơ sở vật chất của nghĩa trang có thể đáp ứng việc an táng cho gần 200 liệt sĩ. Từ năm 2022 tới nay, đây là nơi an táng 17 liệt sĩ, được tìm thấy trên địa bàn huyện Tuy Đức.

hinh-5(1).jpg
Từ khi được nâng cấp, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tuy Đức đã được đầu tư tu bổ, làm nơi yên nghỉ của 17 liệt sĩ.

Để nghĩa trang là trở thành địa chỉ đỏ - nơi giáo dục lý tưởng, lối sống cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, huyện Tuy Đức đã giao Trung tâm Văn hóa thông tin và Truyền thông chăm sóc, quản lý nghĩa trang. Vào đầu tháng âm lịch, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện đều tới nghĩa trang để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đang được quy tập tại đây.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Đức cho biết, nhiều năm nay, việc chăm sóc tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ huyện được địa phương đặc biệt quan tâm. Để tiếp tục thờ phụng các liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, địa phương đã đầu tư cải tạo, sửa chữa nghĩa trang . Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo cảnh quan đạt yêu cầu cả về kỹ thuật và mỹ thuật, hợp thành một chỉnh thể không gian thiêng liêng.

Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Đức nhấn mạnh: “Cứ đều đặn vào các dịp lễ lớn của huyện, tỉnh và các dịp lễ tết, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tuy Đức đều được đã diễn ra hoạt động thắp hương, thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Đây là một hoạt động ý nghĩa thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời cũng là một hình thức giáo dục truyền thống cách mạng hiệu quả cho thế hệ trẻ”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chăm lo để người nằm xuống sống mãi với non sông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO