Chăm lo cho những cánh chim bằng
Tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, để lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát huy vai trò của mình, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số lực lượng cốt cán trên địa bàn tỉnh là 485 người. Lực lượng cốt cán đều là những già làng, người có uy tín, cán bộ bán chuyên trách ở các thôn, bon, buôn, bản. Ngoài chế độ chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 “Về việc quy định số lượng và mức hỗ trợ đối với lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” (Nghị quyết số 13).
Theo nghị quyết, mức hỗ trợ, bồi dưỡng hàng tháng đối với lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS là 0,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Ngoài ra, người uy tín còn được thăm hỏi các ngày lễ, tết với 400.000 đồng/người/năm; hỗ trợ tiền công tác phí: 150.000 đồng/người/ngày hoặc hỗ trợ xăng xe đi lại 400.000đồng/người/tháng.
Sau khi Nghị quyết số 13 được ban hành, Sở Tài chính và Sở Nội vụ đã ban hành hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, các xã, phường, thị trấn đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy tổ chức tuyển chọn và ra quyết định thành lập lực lượng cốt cán tại các thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố có đông đồng bào DTTS sinh sống. Các chế độ, chính sách đối với lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS đã được các cấp chính quyền thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 13.
Hàng năm, căn cứ vào dự toán từ các xã, phường, thị trấn, Phòng tài chính - kế hoạch cấp huyện tổng hợp, trình cấp trên phê duyệt và cấp kinh phí để chi trả chế độ cho lực lượng cốt cán. Cụ thể, từ năm 2014 đến hết tháng 12/2022, tổng kinh phí hỗ trợ chế độ, chính sách đối với lực lượng cốt cán là 14.887.481.304 đồng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường tổ chức các hội nghị, gặp mặt tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; cấp báo miễn phí cho người có uy tín.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS đã phần nào động viên, khuyến khích lực lượng cốt cán ở cấp thôn. Đội ngũ lực lượng cốt cán đã tích cực hoạt động, phát huy được vai trò, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Lực lượng cốt cán tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương. Mặt khác, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật...
Theo bà Vi Thị Thảo Quyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, để phát huy hiệu quả của nghị quyết HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp triển khai, thực hiện có hiệu quả, đưa công tác xây dựng và phát triển lực lượng cốt cán là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.
Các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, củng cố nâng cao chất lượng của lực lượng cốt cán, xây dựng, kiện toàn lực lượng cốt cán bảo đảm các tiêu chuẩn, uy tín để phối hợp tham gia hoạt động tốt trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công tác phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc ở địa phương. Cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, quan tâm, giúp đỡ, động viên lực lượng cốt cán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.