Tích cực truyền dạy
Trước đây, đa số phụ nữ đồng bào dân tộc đều biết dệt thổ cẩm. Thế nhưng, do cuộc sống ngày càng thay đổi, một thời gian dài chưa có sự quan tâm đúng mức nên nghề dệt thổ cẩm ít nhiều mai một, số phụ nữ biết dệt thổ cẩm còn rất ít. Những người được công nhận nghệ nhân dệt thổ cẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh không nhiều, đa số tuổi đã cao nhưng điều đáng ghi nhận là họ luôn tâm huyết truyền nghề cho con cháu.
Nghệ nhân Thị Ai, ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 40 năm qua. Qua thời gian, bà luôn theo đuổi, lưu giữ và tận tình hướng dẫn chị em trong, ngoài bon biết, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Ngoài việc nắm rõ quy trình, kỹ thuật giăng sợi đơn, giăng sợi xen kẽ, giăng sợi đôi, các nghệ nhân còn biết cách phối màu trên nền thổ cẩm mới bằng các mẫu hoa văn truyền thống |
Đặc biệt, bà tích cực tham gia đứng lớp để truyền dạy các kỹ thuật dệt của người M’nông cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Thị Ai vui vẻ: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người M’nông, gắn bó với cuộc đời của các bà, các mẹ. Những sản phẩm của nghề không đơn thuần là chiếc áo, chiếc khăn dùng hàng ngày mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa, đời sống con người M’nông. Do đó, tôi luôn cố gắng làm sao có thể truyền tải niềm đam mê, thu hút nhiều chị em biết, giữ nghề truyền thống”.
Với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ hoa văn thổ cẩm truyền thống, ngoài việc tuyên truyền vận động, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng hỗ trợ nghệ nhân tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc. Các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thu hút đông phụ nữ đồng bào dân tộc tham gia. Dưới sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân, học viên tự dệt được sản phẩm bằng sợi màu trang trí, với các họa tiết hình học kết cườm trên vải; tự dệt ra sản phẩm để may trang phục cho thành viên trong gia đình, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Việc truyền dạy đều do các nghệ nhân lớn tuổi am hiểu văn hóa truyền thống truyền dạy |
Mở ra cơ hội phát triển
Mới đây, lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Sở VHTT-DL tổ chức, với sự tham gia của hơn 26 học viên là đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê, Dao… đã góp phần mở ra hướng, cơ hội phát triển mới, giúp nghề dệt thổ cẩm vừa có thu nhập ổn định vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Tại lớp tập huấn, các học viên được tiếp cận các kỹ năng nâng cao tay nghề, các mẫu thiết kế thổ cẩm, trang phục truyền thống trên nền vải cotton để làm ra các sản phẩm thủ công phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Học viên được trực tiếp thực hành, tiếp cận sợi len, chỉ cotton…
Chị Thị Đoàn, bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) cho hay: “Tôi biết dệt từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu dệt theo kiểu đơn giản, truyền thống chứ không chú trọng đến việc cách tân hay phối màu, miễn sao có thể đáp ứng nhu cầu mặc của gia đình. Nhưng giờ đây, tôi đã biết được cách phối màu cũng như dệt các loại hoa văn truyền thống từ 3-5 sợi đơn giản đến 10-17 sợi phức tạp”.
Việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh bước đầu có tín hiệu khả quan |
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, mặc dù diễn ra thời gian ngắn nhưng các học viên tiếp thu một cách nghiêm túc những kiến thức được truyền dạy. Học viên nhận thức được đây là một trong những phương thức tạo ra những sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống đặc trưng để thu hút khách, phát triển du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống kinh tế.
Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông cho rằng, việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền nghề dệt thổ cẩm là một trong những mục tiêu mà ngành văn hóa hướng đến để bảo tồn nghề dệt truyền thống, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh bước đầu có tín hiệu khả quan, nhưng làm sao để bà con sống được và giữ nghề là một bài toán khó. Do đó, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho lớp trẻ và tạo điều kiện, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.