Chăm lo cho đồng bào - nền tảng bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc

Hoàng Thị Thảo| 21/12/2021 09:49

Xuyên suốt chiều dài lịch sử và trong giai đoạn mới, Đảng ta luôn chú trọng vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc và coi đây là vấn đề có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng.

Có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ…”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng tiếp tục nêu quan điểm: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung….”

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề dân tộc được quan tâm sâu sắc hơn với chiến lược và sách lược: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có chính sách đầu tư đặc thù, giải quyết khó khăn cho đồng bào DTTS; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các DTTS. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững...”.

Đồ họa: Bình Minh

Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời và là “máu - thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ một chiều nhìn thấy các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chúng ta cũng nhận thấy đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm đổi mới đất nước. Chỉ chiếm chưa đến 15% dân số nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước.”.

Chú trọng nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS

Đắk Nông có 40 dân tộc với dân số hiện nay khoảng 687.188 người; trong đó, 39 thành phần DTTS với khoảng 216.286 người, chiếm 31,47% tổng dân số toàn tỉnh. DTTS tại chỗ (M’nông, Mạ, và Ê đê) có khoảng 69.756 người chiếm 32,25% tổng số DTTS toàn tỉnh. Với đặc điểm là tỉnh có đa thành phần dân tộc, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc và xem đây là công tác có vị trí chiến lược, cơ bản, lâu dài, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh toàn tỉnh. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương tại tỉnh đã thực sự mang lại khởi sắc mới cho vùng đồng bào DTTS, nhất là trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh công tác chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS bằng các chương trình, chính sách thiết thực. Trên cơ sở nhìn thẳng, đánh giá khách quan kết quả đạt, những mặt tồn tại, thách thức, khó khăn trong lĩnh vực dân tộc trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể: “Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS giai đoạn 2020-2025. Trong đó, nêu rõ quan điểm, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị và của chính đồng bào DTTS. Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS; tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Đắk Nông. Bên cạnh phát huy khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, tỉnh gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Cùng với giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/cham-lo-cho-dong-bao-nen-tang-bao-dam-dai-doan-ket-toan-dan-toc-90678.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/cham-lo-cho-dong-bao-nen-tang-bao-dam-dai-doan-ket-toan-dan-toc-90678.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Chăm lo cho đồng bào - nền tảng bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO