Đời sống

Cha mẹ - người thầy đầu tiên của con trẻ về mạng xã hội

Hoàng Bảo 18/08/2023 15:48

Cha mẹ luôn quan tâm, định hướng cho con trẻ sử dụng mạng xã hội đúng đắn, phù hợp là điều quan trọng để hướng trẻ đến có lối sống an toàn, lành mạnh, phát triển.

ADQuảng cáo

Sử dụng mạng phù hợp với độ tuổi

Do đặc thù công việc làm nương rẫy, mỗi dịp cuối tuần hoặc nghỉ hè, chị Bùi Thị Thinh, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) thường để bọn trẻ ở nhà.

Nhà chị đã lắp mạng internet nên việc cấm con sử dụng điện thoại, máy tính, tivi để xem các chương trình yêu thích là điều không hề dễ dàng. Do đó, chị thường xuyên hướng dẫn cho con xem những chương trình phù hợp với độ tuổi, có ích cho công việc học tập và xây dựng kĩ năng sống cho bé gái.

2-1-.jpg
Nhiều trẻ được cha mẹ định hướng, biết sử dụng mạng xã hội an toàn, phù hợp.

Chị Thinh cho biết: “Tôi quanh năm làm nương rẫy, thời gian để quản lý, xem con đã xem gì, sử dụng mạng xã hội như thế nào, nhất là khi bố mẹ vắng nhà là điều rất khó. Vì vậy, ngày bận việc thì buổi tối, chúng tôi dành thời gian để nói chuyện, nhắc nhở, hướng dẫn con mỗi ngày chỉ nên sử dụng máy tính, điện thoại từ 30-60 phút, xem những chương trình cần thiết, thích hợp đúng độ tuổi của con”.

Cũng theo chị Thinh, hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, không phải chỉ ở nhà mà đi đâu trẻ cũng tiếp cận được mạng xã hội. Vì vậy, phụ huynh cần định hướng, kiểm tra xem con sử dụng mạng xã hội vào mục đích gì để kịp thời uốn nắn cho con mình.

Cũng như chị Thinh, chị Đỗ Thị Tâm ở phường Nghĩa Trung cho rằng, con của chị trong độ tuổi học THCS. Giai đoạn này, trẻ có tâm sinh lý thay đổi, tính tò mò cao, nhất là muốn tìm hiểu, mở mang kiến thức trên internet. Việc nghiêm cấm con nói không với mạng xã hội, internet là điều không thể. Vì vậy, chị thường quy định giờ sử dụng ti vi, điện thoại rõ ràng, khuyến khích con xem những chương trình thiết thực với tâm sinh lý, lứa tuổi.

Chị Tâm chia sẻ: “Hàng ngày, trong bữa cơm gia đình, vợ chồng tôi đều nói với con về tác hại và lợi ích khi sử dụng mạng xã hội, nhất là đối với trẻ nhỏ. Từ đó, chúng tôi thường xuyên quan sát, nhắc nhở khi con chơi game, hoặc vào những trang mạng không phù hợp. Đặc biệt, do con tôi còn nhỏ, nên tôi không cho con sử dụng facebook, zalo phòng trường hợp con lỡ chia sẻ hay đăng tải những nội dung không đúng trên mạng xã hội”.

z4611658215608_def3cefabe275dcdb12eed4d9401a737.jpg
Chị Tâm thường xuyên nhắc nhở con xem những chương trình phù hợp với độ tuổi của mình.

Dành thời gian với con nhiều hơn

Chị B.T.T, tổ dân phố 3, Nghĩa Trung là người đã phải mất rất nhiều thời gian để đồng hành, uốn nắn để con bỏ chơi game online của con. Chị T kể, do đặc thù công việc bận rộn, thời gian gần gũi, tâm sự dành cho con không nhiều, có đôi lúc phó mặc con với máy tính và điện thoại. Vì vậy, đến khi con nghiện game, bỏ bê việc học, chị mới giật mình, xót xa.

ADQuảng cáo

Chị T cho hay: “Bình thường con ngoan, nên tôi cho con xem điện thoại để giải trí. Qua lời kể của con, chỉ trong một lần khi đang lướt web xem youtube, cháu có ấn vào xem mấy quảng cáo về game. Ban đầu, cháu vào chơi vì tò mò dần dần nghiện lúc nào không hay. Từ chơi game miễn phí, trẻ em, cháu chuyển sang chơi game có tính chất bạo lực hơn”.

Từ ngày con nghiện game, chị T dường như rơi vào bế tắc, chán nản. Có những thời điểm, chị đi làm về chưa bước được chân vào nhà đã đi hết tiệm internet này đến tiệm internet khác để tìm con về. Nhiều bữa muốn đánh con, nhưng con lớn rồi lại đang trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lí nên chị đành dỗ ngọt. Hằng ngày, chị đều nhỏ nhẹ khuyên con hạn chế dần dần, đi chơi với các bạn trong xóm để quên game.

Chị T cho biết thêm: “Khi con quá nghiện game, tôi dành nhiều thời gian để tâm sự, kể cho con nghe về những trường hợp vì nghiện game mà quên ăn, quên ngủ phải vào bệnh viện can thiệp cũng như những bạn học tốt, làm việc tốt được tuyên dương. Dần dần, con tôi hiểu ra, bắt đầu cai game, mỗi ngày cháu giảm thời gian xuống một ít. Cứ như vậy, cháu bỏ được game và bắt đầu chú tâm học tập. Đến nay, cháu đã tốt nghiệp THPT và chuẩn bị bước vào giảng đường đại học”.

Để trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn

Hiện nay, việc nghiêm cấm trẻ tiếp cận mạng xã hội là điều không thể. Vì nhiều trẻ được bố mẹ đăng ký học các lớp online, chương trình, phần mềm trên mạng. Cho nên, làm sao để trẻ phân biệt được đâu là lợi ích đâu là tác hại của việc sử dụng internet, mạng xã hội là điều rất cần thiết.

4-1-.jpg
Từ định hướng của cha mẹ, nhiều trẻ nhỏ đã biết tìm hiểu về lịch sử Việt Nam trên các trang web chính thống.

Chị Nguyễn Thị Oanh, phường Nghĩa Trung chia sẻ: “Internet là con dao hai lưỡi, con sử dụng đúng thì không sao, chứ dùng sai là ảnh hưởng đến tương lai của mình. Do đó, tôi luôn nhắc cháu, sử dụng mạng là tốt, nhưng không để mạng xã hội, nhất là các trò chơi game dẫn dắt mình. Nếu con không làm chủ được mạng xã hội thì không nên sử dụng. Cũng may, cháu chỉ sử dụng vào những việc thiết thực, nhất là nhu cầu học tập nên gia đình yên tâm”.

5-loi-khuyen-su-dung-mang-xa-hoi.jpg

Trẻ em là tương lai của đất nước cần được quan tâm, chăm lo, rèn luyện trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ hiện nay, nếu không có sự định hướng, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội thì nhiều trẻ em sẽ bị mạng xã hội lôi cuốn.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội thường có những thông tin, clip về bạo lực, lối sống buông thả, hưởng lạc của một bộ phận giới trẻ, nhất là trong độ tuổi học sinh. Những thông tin này nếu xem nhiều sẽ dẫn đến tình trạng “mưa dầm thấm lâu”, các em sẽ bắt chước, làm theo.

Cũng từ đó, một số em nếu quá sa đà vào những luồng thông tin này dần dần sẽ có suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, xã hội, về ý thức phấn đấu. Nhiều em mất đi lý tưởng, lẽ sống cao đẹp và trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

Theo các chuyên gia, các bậc cha mẹ phải là người thầy đầu tiên định hướng cho con mình trong cách sử dụng mạng xã hội, chỉ có con biết cách phòng tránh những thông tin không tốt ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ không thể vì lý do bận rộn công việc mà bỏ bê con cái, ngược lại cần động viên, khích lệ, gần gũi để hiểu được nhu cầu, tâm sinh lý con trẻ, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh thói quen, hành vi cho con em mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cha mẹ - người thầy đầu tiên của con trẻ về mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO