Đời sống

"Cây sáng kiến" tại Nhà máy alumin Nhân Cơ

Lê Dung 18/07/2023 06:27

Anh Phạm Minh Công, công nhân Phân xưởng Cơ điện (Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV) vừa được Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tôn vinh vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Hơn 7 năm gắn bó với Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, anh Phạm Minh Công luôn có tinh thần học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ công nghệ mới.

Với nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đến nay, anh Công cùng với đồng nghiệp đã có trên 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng cho đơn vị.

a-cong(1).jpg
Anh Phạm Minh Công, công nhân Phân xưởng Cơ điện

Đáng chú ý nhất là sáng kiến “Thi công chế tạo máy ép thủy lực 100 tấn”. Trước khi có sáng kiến, công tác bảo dưỡng, sửa chữa trong nhà máy rất vất vả, bởi thiết bị phải tháo lắp tại nhà máy rất nhiều, nặng và cần áp lực lớn.

Với sáng kiến này, anh Công đã giúp đơn vị nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động cho công nhân. Công tác an toàn lao động được bảo đảm.

Sáng kiến của anh đưa vào áp dụng đã giúp tiết kiệm được 250 triệu so với việc mua sản phẩm có thông số kỹ thuật tương đương trên thị trường.

“Sáng kiến có hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và vệ sinh thiết bị. Chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Thiết bị sau bảo dưỡng, sửa chữa có độ chính xác cao. Nhân lực tham gia bảo dưỡng giảm nhiều so với trước“, anh Công chia sẻ.

a-cong-2(1).jpg
Thiết bị, máy móc tại Phân xưởng nhiều, nặng, đòi hỏi nhiều về sức sáng tạo của công nhân trong quá trình vận hành

Trước đó, anh Công đã có sáng kiến “Chế tạo, lắp đặt giá đỡ động cơ – hộp giảm tốc phục vụ chạy thử không tải các thiết bị, động cơ điện tại khu D17”.

Khi chưa có sáng kiến, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, các thiết bị được đưa về khu D17 thuộc Phân xưởng Cơ điện. Nhân viên sửa chữa sẽ tiến hành tháo thiết bị, bảo dưỡng rồi lắp đặt lại.

Tuy nhiên, chất lượng của công tác sửa chữa cũng như vật tư thay thế chỉ xác định được khi đưa thiết bị sang hiện trường, lắp đặt vào vị trí, cho chạy thử không tải.

Khi các thông số kỹ thuật của thiết bị trong giới hạn cho phép thì các bên sẽ tiến hành bàn giao, nghiệm thu.

Ngược lại, nếu các thông số kỹ thuật của thiết bị không đạt thì lại phải đưa thiết bị quay trở lại khu D17 để thực hiện lại công tác bảo dưỡng, sửa chữa.

Quá trình đó mất nhiều thời gian và nhân công, ảnh hưởng tới quá trình đưa thiết bị trở lại lưu trình của nhà máy.

a-cong-1(1).jpg
Anh Phạm Minh Công hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình làm nhiệm vụ

Với giải pháp của anh Công đã sớm giúp đơn vị đánh giá được chất lượng của vật tư, thiết bị sau quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế. Người và thiết bị trong quá trình chạy thử không tải được bảo đảm an toàn…

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện, anh Công là một trong những công nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất.

Các sáng kiến của anh được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Anh Công được nhiều người gọi vui là "cây sáng kiến" vì có nhiều giải pháp sáng tạo trong lao động.

Với vai trò là nhân viên kỹ thuật, ngoài nhiệm vụ được giao, anh Công còn thường xuyên hướng dẫn cho người lao động trong đơn vị về các kinh nghiệm xử lý sự cố. Qua đó giúp đào tạo lớp nhân viên kỹ thuật kế cận cho phân xưởng.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Cây sáng kiến" tại Nhà máy alumin Nhân Cơ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO