Cây nêu trong đời sống của người Ê Đê

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI BÃO| 12/10/2023 00:20

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào Ê Đê nói riêng, cây nêu là biểu tượng của tâm linh, là cây vũ trụ, trục nối giữa đất với trời, là vật không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Chính vì vậy, cây nêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống, được người Ê Đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Anh Y Kô Niê, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cây nêu là biểu tượng của tâm linh, người Ê Đê gọi là Gơng drai. Cây nêu được trang trí những họa tiết, hoa văn khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng nghi lễ tạ ơn hoặc cầu an, cầu sự no đủ cho gia đình hoặc cộng đồng… Còn theo các già làng Ê Đê, vị trí đặt cây nêu được xem là tâm thiêng cho các nghi lễ như: cúng sức khỏe, cúng nhà mới, cúng ăn cơm mới, tang ma,… thường dựng ở gian khách hoặc ngoài trời. Mỗi cây nêu được trang trí những họa tiết khác nhau và mang ý nghĩa theo từng nghi lễ.

Anh Y Kô Niê cho biết: Khi chuẩn bị tổ chức cho nghi lễ trong nhà hay ngoài trời, việc chọn loại cây làm cây nêu rất quan trọng. Cây được chọn thuộc loại cây thân mềm ana atang (cây xoan); thân thẳng, cây không tì vết, không bị sâu đục, lá không úa vàng… Cây nêu dùng trong nhà thường có chiều cao từ 2 đến 2,5m; nếu ngoài trời cao khoảng từ 3m đến 4m, chôn gốc và có làm 4 cọc rào bao quanh. Mầu sắc để tô vẽ các họa tiết trên cây nêu thường dùng: Mầu đỏ là máu vật tế, mầu đen là mầu của nhọ nồi trộn với mỡ động vật, mầu vàng là mầu của thân cây.

Ý nghĩa của biểu tượng và họa tiết từng phần trên cây nêu được ví như thân hình của một vị thần. Phần đầu: Sự kết nối giữa đất trời (hình bắp chuối), sự giao tiếp giữa các vị thần và linh hồn vạn vật với con người…; với tang ma, lễ bỏ mả và các nghi lễ liên quan đến người đã khuất thì biểu tượng bắp chuối được tô mầu đen.

Phần cổ: Cầu mong sự an lành (hình chữ Z) biểu trưng cho con cá cầu mong sự ban cho của thần linh, sự may mắn khi đi săn bắn hằng ngày. Phía dưới là 4 thanh gỗ được gắn ngàm với nhau giống như cái bếp lửa nhà dài, biểu trưng cho dàn bếp với ý nghĩa cầu an cho gia đình và dòng họ được an lành, khỏe mạnh. Nghi lễ cầu no đủ thường treo hình con cá hoặc dụng cụ lao động, nếu lễ cúng cầu an thường treo bông hoặc chùm chỉ kết lại để biểu trưng cho linh hồn an bình, khỏe mạnh.

Phần ngực: Cầu no đủ, hạnh phúc (nồi đồng và cái bếp) biểu tượng sự no đủ, hạnh phúc và thể hiện sự đoàn kết, sum vầy để gắn kết con người với con người và gia đình với cộng đồng buôn làng. Phần bụng: Định kỳ nghi lễ (khắc vòng quanh thân cây nêu), thường khắc 3 vòng, 5 vòng và 7 vòng tùy theo lần tổ chức trong gia đình, dùng mầu vàng thân và mầu xanh vỏ cây. Phần chân: Cầu mưa thuận gió hòa, được trang trí bằng họa tiết cách điệu (chong chóng, tổ ong), dùng hai sắc mầu đỏ và vàng. Hình chong chóng tượng trưng cho thời tiết mưa thuận gió hòa; hình tổ ong tượng trưng cho sự dồi dào từ nguồn thức ăn của thiên nhiên ban tặng với quan niệm mùa màng bội thu.

Chung quanh gốc cây nêu có đóng cọc bảo vệ, trên bốn cọc có thanh gỗ bọc quanh được đẽo bằng hình tượng cách điệu của 4 con chim cu đất, đầu quay tứ hướng. Đây là nơi mọi người trong cộng đồng hoặc khách mời từ già, trẻ, gái, trai gởi gắm niềm mơ ước, cầu xin tới các vị thần để được phù hộ, ban cho. Nhìn biểu tượng và họa tiết thêm trên cây nêu, mọi người biết nội dung và ý nghĩa của nghi lễ đang thực hiện.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/cay-neu-trong-doi-song-cua-nguoi-e-de-post777152.html
Copy Link
https://nhandan.vn/cay-neu-trong-doi-song-cua-nguoi-e-de-post777152.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cây nêu trong đời sống của người Ê Đê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO