Cây chuối rừng trong ẩm thực của người M’nông, Mạ

H'Mai| 14/06/2019 09:27

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã biết sống dựa vào thiên nhiên. Từ vật liệu làm nhà đến nguyên liệu nấu ăn, nước uống… người M’nông, Mạ đều có thể tìm thấy nơi rừng núi.

Với kinh nghiệm bao đời truyền lại, họ đã biết dùng các bộ phận của cây chuối rừng phục vụ cho đời sống hằng ngày. Từ thân, củ, quả hay hoa chuối, đồng bào chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo.

Cây chuối rừng mọc trên vùng đồi núi huyện Đắk Song

Cây chuối rừng mọc hoang khắp núi rừng thành từng vùng. Từ nơi trũng thấp đến đỉnh đồi, cây chuối rừng đều có thể thích nghi, phát triển. Chuối rừng thân nhỏ, cao có thể tới 4 m. Hoa chuối rừng mọc thẳng đứng ở ngọn, màu đỏ thẫm. Buồng chuối rừng thường nhỏ, có khoảng 5 - 6 nải, mỗi nải từ 10 đến 16 quả.

Quả chuối rừng có đặc điểm thon nhỏ, chỉ to hơn ngón tay cái một chút. Khi chín đổi từ màu xanh sang vàng, mùi thơm đặc trưng, ăn ngọt lịm. Tuy nhiên, quả chuối rừng có nhiều hột nên thường được phơi khô ngâm rượu hoặc làm dược liệu trong các bài thuốc dân gian. Theo Đông y, trái chuối hột rừng có tác dụng chữa được bệnh đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp, giúp lợi tiểu, chữa đau lưng, mệt mỏi…

Nhiều món ăn thú vị từ quả, thân, bắp chuối

Món Biep siet biêp ndum. Người M’nông thường tận dụng vỏ của quả chuối rừng sau khi chín chế biến thành một món ăn độc đáo gọi là “Biep siêt biêp ndum”. Món ăn có những nguyên liệu quen thuộc để nấu canh thụt hay canh bồi của người M’nông như lá bép, bột gạo, thịt rừng… Nhưng điểm khác biệt nổi bật để tạo ra món “Biep siêt biêp ndum” là tro vỏ chuối rừng.

Vỏ chuối chín được rửa sạch, phơi khô. Sau đó đem đốt thành tro, ngâm nước một đêm rồi lọc kĩ qua màng lọc hoặc ruột quả mướp già. Nước sau khi lọc có màu đen, dùng trộn chung với bột gạo (Bột gạo đã giã chung với lá bồ ngót rừng), lá bép già, tép khô… Hỗn hợp lại được ngâm qua một đêm trước khi nấu, khi nấu có thể cho thêm thịt gà rừng. Món ăn khi nấu chín có độ sánh dẻo, thơm ngon, bổ dưỡng.

Người M'nông lọc nước tro chuối sau khi đốt để chế biến món ăn

Thân hay nõn chuối. Kinh nghiệm khi đi rừng, người M’nông, Mạ sẽ tìm tới những khu vực có nhiều chuối rừng để nghỉ chân. Vì ông bà truyền lại rằng nguồn nước ở những nơi đó thường có nhiều và tinh khiết hơn chỗ khác. Người đi rừng thành thạo còn biết cách chặt cây chuối rừng, lấy phần thân chẻ dọc rồi nhai như mía để giải khát.

Theo họ, trong thân cây chuối có nhiều nước và dưỡng chất tốt cho cơ thể đang bị mệt. Cũng chính vì vậy, từ xưa người M’nông, Mạ còn biết dùng thân chuối chế biến làm thức ăn. Thân chuối sau khi chặt hạ sẽ được bóc tách hết lớp vỏ ngoài. Phần lõi bên trong còn lại được gọi là nõn chuối. Nguyên liệu này có thể dùng để ăn sống hoặc chế biến với các món ăn khác.

Đơn giản nhất là món nõn chuối thái mỏng chấm với muối ớt xanh. Nhiều gia đình còn luộc sơ qua nõn chuối để loại bỏ bớt mủ và vị chát của nguyên liệu. Món ăn bình dị nhưng lại kích thích được vị giác khi có sự hòa trộn của chút vị chát, giòn ngọt, thanh mát của nõn chuối cùng vị mặn mặn, cay cay của muối ớt rừng. Cầu kỳ hơn có thể kể đến món nõn chuối nấu cá suối hoặc thịt rừng. Trong đó, món nõn chuối rừng nấu với cá niên là món ăn truyền thống được mọi người ưa thích hơn cả.

Nước tro chuối cùng các nguyên liệu chế biến món “Biep siêt biêp ndum”

Bắp chuối. Cũng như nõn chuối, bắp chuối rừng được đồng bào xem là một trong những nguyên liệu, nguồn thực phẩm quý của núi rừng. Bắp chuối vừa mới ra hết buồng được hái, tước bỏ phần bẹ già bên ngoài. Người nấu thái bắp chuối thành lát mỏng, rửa sạch với nước rồi để ráo. Bắp chuối rừng cũng được chế biến thành nhiều món ăn dân dã, ngon miệng, tốt cho sức khỏe. Phổ biến nhất là món bắp chuối xào.

Ngoài ra còn có món canh bắp chuối với thịt và cá suối. Món canh này thường đổ xăm xắp nước, nhiều nước hơn so cách kho thịt, cá của người kinh một chút. Bắp chuối sau khi chế biến có vị chát, giòn, nhai nhuyễn sẽ thấy vị ngọt mát. Sau một ngày lên nương, lên rừng, người M’nông, Mạ mang theo một bắp chuối rừng về nhà. Thêm chút thời gian chế biến, không cần cầu kỳ vẫn có thêm món ăn ngon trên mâm cơm gia đình.

Tro từ thân cây chuối được người Mạ dùng làm muối chấm, gia vị

Và đối với đời sống ngày nay

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, sự xuất hiện của nhiều nguyên liệu mới làm đa dạng trong ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Song, cây chuối rừng vẫn luôn gắn bó, trở thành món ăn ưa chuộng trong chế biến món ăn của nhiều gia đình M’nông, Mạ. Không những thế, cây chuối rừng đi vào đời sống tâm linh, trở thành lễ vật và sợi dây kết nối giữa con người với thần linh.

Chuối rừng được người dân xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) chế biến thành đặc sản, sản phẩm hàng hóa

Trong nhiều nghi lễ cúng thần linh của người M’nông, Mạ, nải chuối trở thành lễ vật dâng cúng. Thân cây chuối được chế tạo thành các con vật, đồ vật trong lễ cúng. Ngày nay, chuối rừng ở nhiều nơi đã trở thành hàng hóa, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn thu nhập. Bắp chuối rừng được hái bán tươi ở chợ. Quả chuối rừng được phơi hoặc sấy khô, trở thành đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.

Trước đây, khi muối biển còn khan hiếm, người Mạ dùng tro chuối làm muối chấm hoặc nêm nếm trong các món ăn. Tro chuối của người Mạ được làm bằng cách đốt vỏ chuối hoặc nguyên thân chuối rừng khô. Cây chuối rừng được chọn làm tro chuối thường mọc ở ngọn núi cao mới đem đến mùi vị thơm ngon. Ngày nay, trong nhiều món ăn, người Mạ vẫn ưa thích dùng tro chuối làm gia vị để tạo hương vị truyền thống đặc trưng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/du-lich-am-thuc/cay-chuoi-rung-trong-am-thuc-cua-nguoi-m-nong-ma-73158.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/du-lich-am-thuc/cay-chuoi-rung-trong-am-thuc-cua-nguoi-m-nong-ma-73158.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cây chuối rừng trong ẩm thực của người M’nông, Mạ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO