Kinh tế

Cây chủ lực - “Xương sống” của nông nghiệp Đắk Nông

Hưng Nguyên 19/03/2024 06:30

Sau 20 năm, nông nghiệp Đắk Nông đã có những bước tiến dài cả về lượng và chất. Trong đó, những loại cây chủ lực giữ vai trò chủ đạo, mang lại giá trị cao cho nông nghiệp.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và trình độ canh tác nông nghiệp của người dân, ngay từ khi tái lập, Đắk Nông đã xác định nhóm các cây trồng chủ lực bao gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Trong đó, cà phê và hồ tiêu là hai cây trồng mũi nhọn.

thuhoachcf-6-(1).jpg
Cà phê được nhiều người dân Đắk Nông sản xuất theo quy trình chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu

Trong từng giai đoạn, Đắk Nông ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại hóa, bền vững. Tỉnh khuyến khích người dân tái canh các loại cây trồng chủ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thu hút đầu tư phát triển.

Đối với cà phê, hiện nay, Đắk Nông có gần 142.000ha, tăng gần 2,2 lần so với năm 2004; sản lượng 372.000 tấn/năm, tăng 3,3 lần so với năm 2004. Tỉnh đã công nhận vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, với quy mô 335ha. Nhiều HTX và người dân đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị. Tỉnh có 34 doanh nghiệp sơ chế, chế biến cà phê, với sản phẩm sau chế biến khoảng trên 400 tấn/năm.

Đối với cây hồ tiêu, tỉnh có 16.700ha, tăng 2,5 lần so với năm 2004; sản lượng 67.000 tấn/năm, tăng 6 lần so với năm 2024. Nông dân đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC, với 1.549ha tại 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.

Đắk Nông có 23 cơ sở sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với quy mô trên 3.000ha. Tỉnh có 6 doanh nghiệp sơ chế, chế biến các sản phẩm hạt tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và bột tiêu. Sản lượng hồ tiêu sơ chế, chế biến được tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng hồ tiêu của Đắk Nông.

Hiện nay, Đắk Nông có 24.000 ha cao su, tăng 3,1 lần so với năm 2004; sản lượng 34.800 tấn/năm, tăng 14 lần so với năm 2004. Về cây điều, tỉnh có hơn 16.700ha, tăng 2,5 lần so với năm 2004; sản lượng 8.816 tấn/năm, tăng 2,4 lần so với năm 2004.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi từ thói quen canh tác truyền thống sang hướng sản xuất bền vững, mang lại giá trị cao cho các loại cây trồng chủ lực.

dji_fly_20240125_145034_708_1706169052036_photo_optimized-1-(1).jpg
Cà phê, hồ tiêu là những cây trồng mũi nhọn của nông nghiệp Đắk Nông

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau 20 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp Đắk Nông đã thay đổi hoàn toàn cả về lượng và chất. Các cây trồng chủ lực đều có diện tích và sản lượng đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Sau 20 năm tái lập, ngành Nông nghiệp Đắk Nông có bước phát triển vượt bậc, đời sống nông dân được nâng cao về mọi mặt. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp tăng 7,9 lần, từ 13 triệu đồng năm 2004 lên 103 triệu đồng năm 2023.

Tỉnh Đắk Nông xác định phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Nông nghiệp được ứng dụng khoa học công nghệ cao để làm mũi nhọn đột phá. Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, để tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực, tỉnh đang thực hiện các giải pháp tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tỉnh đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhất là chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến gắn với sản xuất. Từ đó, giúp cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cây chủ lực - “Xương sống” của nông nghiệp Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO