Cầu Bình Đường khi đang thi công. (Ảnh: GUIZHOU GONGLU) |
Là một phần của tuyến đường cao tốc Dư Khánh-An Long, cầu Bình Đường nằm trên thung lũng Tào Độ Hà, thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 29/4/2016, hợp long nhịp chính ngày 26/9/2019, chính thức thông xe toàn tuyến và đưa vào sử dụng ngày 30/12/2019.
Cầu Bình Đường khi đang thi công. (Ảnh: GUIZHOU GONGLU) |
Cầu Bình Đường dài 2.135 m, rộng 30,2m, mặt cầu là đường cao tốc 2 chiều với 4 làn xe, tốc độ 80km/giờ.
Cầu Bình Đường là một phần của tuyến đường cao tốc Dư Khánh-An Long. |
Đây là công trình giao thông trọng điểm, điểm nhấn về hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Quý Châu, một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn của Trung Quốc.
Du khách chụp ảnh bên "cây cầu giữa không trung". |
Để khai thác hiệu quả giá trị du lịch của công trình, tỉnh Quý Châu đã triển khai mô hình du lịch kết hợp công trình giao thông, xây dựng Khu dịch vụ ngắm cầu Bình Đường từ trên cao, tham quan Bảo tàng cầu đường Quý Châu, kết hợp với điểm tham quan kính viễn vọng vô tuyến “Thiên nhãn” lớn nhất thế giới, trải nghiệm du lịch bản làng của dân tộc Bố Y, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương.
Cầu Bình Đường và công trình phục vụ du lịch về đêm. (Ảnh: GUIZHOU GONGLU) |
Tỉnh Quý Châu nằm trên cao nguyên Vân Quý, có độ cao trung bình 1.100m so mực nước biển, 92,5% diện tích là địa hình đồi núi cao, vì vậy các cây cầu chính là huyết mạch để kết nối giao thương, đi lại giữa các địa phương.
"Cây cầu giữa không trung" trở thành điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. (Ảnh: GUIZHOU GONGLU) |
Chính vì vậy, Quý Châu được coi là thủ phủ của các cây cầu lớn ở Trung Quốc cũng như trên thế giới. Theo thống kê của mạng cầu cao nhất thế giới (highestbridges.com), tính đến tháng 6/2021, có tổng cộng 231 công trình được xếp hạng cầu cao nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc có 195 cây cầu, tỉnh Quý Châu chiếm gần một nửa (94 cây cầu).
Đặc điểm những cây cầu ở tỉnh Quý Châu là được xây dựng ở trên các vách núi cao, mặt cầu cách mặt sông hàng trăm mét, và là một hợp phần quan trọng của các tuyến cao tốc nội và liên tỉnh, như: cầu Bắc Bàn Giang dài 1.341m, mặt cầu cách sông 565,4m; cầu Thanh Thủy Hà được xây ở độ cao 4.500m so mực nước biển, dài 11,7km, là siêu cầu dài nhất trên tuyến đường sắt Thanh Tạng; cầu Bá Lăng Hà dài 2.237m, nhịp cầu chính dài 1.088m...